“Cú hích” trong công tác giảm nghèo ở Ninh Bình
Gieo mầm ấm no
Chúng tôi đến Yên Nhân, một xã thuần nông của huyện Yên Mô. Sắc xanh của những ruộng lúa bát ngát, vườn tược trù phú và những nụ cười đôn hậu, khoáng đạt của người dân khiến cho bức tranh đồng quê nơi đây càng trở nên thanh bình. Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thị Xuân cho biết, trước đây, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã khá cao. Nhiều hộ chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển ngành nghề, dịch vụ. Một trong những nguyên nhân sản xuất của người dân khó phát triển đó chính là thiếu vốn. Đây cũng là nỗi trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Chính bởi vậy, Đảng ủy, UBND xã xác định tín dụng chính sách là một nguồn lực, một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40, Yên Nhân dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chỉ đạo, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách được cấp trên giao cho địa phương. Đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để những người có nhu cầu vay vốn tiếp cận được với nguồn vốn, xã còn làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Như để minh chứng rõ hơn về những điều này, chúng tôi cùng đến thăm gia đình chị Trương Thị Hoa ở thôn Yên Sư, một điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn chính sách. Tất bật trở về từ ngoài đồng, chị Hoa đón chúng tôi bằng nụ cười nồng ấm trên gương mặt lấm tấm mồ hôi. Cầm tay nhau rủ rỉ những câu chuyện nồng đượm chân tình về việc làm ăn, về sức khỏe, cán bộ của NHCSXH và chị Hoa giống như những người thân trong một gia đình. “Hai vợ chồng tôi đều bị bệnh tim, thuốc thang, bệnh viện triền miên. Gắng gượng xoay đủ mọi việc từ cấy lúa, trồng rau, nuôi cá, nuôi thỏ nhưng vốn ít nên chỉ làm được ở quy mô nhỏ, lời lãi chẳng được là bao. Nghèo khó bủa vây mãi cho đến khi tôi được Hội Phụ nữ hướng dẫn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH. Hai vợ chồng đầu tư mua một cặp bò, rồi xây thêm chuồng trại, nhân rộng đàn thỏ từ 100 con ban đầu lên hơn 300 con. Giờ đây, mỗi tháng gia đình tôi xuất bán ra thị trường hơn 100 con thỏ thương phẩm, trọng lượng 2,3 - 2,5 kg/con, tương đương với khoản thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng”, chị Hoa chia sẻ.
Theo báo cáo, đến hết ngày 31/7/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã Yên Nhân đạt trên 30 tỷ đồng, do hội, đoàn thể nhận ủy thác. Trong 05 năm qua, tín dụng chính sách đã giúp 662 lượt hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 60 lao động, giúp trên 400 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới gần 1.500 công trình cung cấp NS&VSMTNT. Đây cũng chính là một nền tảng quan trọng để sau 06 năm xây dựng nông thôn mới, xã Yên Nhân đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016, sớm hơn 3 năm so với lộ trình.
Tạo chuyển biến tích cực trong tín dụng chính sách
Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội. Có thể nói, đây là chỉ thị rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS… vươn lên ổn định cuộc sống.
Tại Ninh Bình, ngay sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chủ động xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách và hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Trong đó có việc quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho hệ thống NHCSXH từ tỉnh đến các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, ngoài nguồn vốn được Trung ương cân đối hàng năm, tỉnh Ninh Bình vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực ủy thác qua NHCSXH để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, năm 2018 được đánh giá là năm mà địa phương chuyển vốn từ ngân sách sang NHCSXH thành công nhất với việc bổ sung 30 tỷ đồng từ ngân sách UBND tỉnh. Như vậy, tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn UBND tỉnh, huyện, thành phố ủy thác qua NHCSXH là trên 82,4 tỷ đồng, chiếm 3,53% tổng nguồn vốn, tăng hơn 70,1 tỷ đồng, gấp 6,7 lần trước khi có Chỉ thị số 40. Đây là một con số thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động chính sách xã hội, qua đó, giúp cho NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương. Ngoài ra, với quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay, chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc hơn, cùng với NHCSXH trong công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
Tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 30/6/2019 đạt 2.324.835 triệu đồng, tăng 669.145 triệu đồng (+140%) so với trước khi có Chỉ thị số 40, tổng dư nợ đạt 2.318.842 triệu đồng, tăng 665.530 triệu đồng.
Bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở dưới mức cho phép. Sau gần 17 năm thực hiện tín dụng chính sách, đã có 476.382 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 6.987 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc giúp trên 70.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn thoát nghèo; giải quyết tạo việc làm cho trên 122.000 lao động, giúp trên 110.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập, 1.620 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, xây dựng gần 200.000 công trình NS&VSMTNT, giúp trên 100.000 hộ tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào SXKD. Tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 12,4% xuống còn 3,92% và giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,46% xuống còn 3,63%.
Đặc biệt, từ hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian qua đã khắc phục các hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức, ý chí vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Mặt khác, tín dụng chính sách cũng giúp đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu bất ổn xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương, trở thành nguồn sinh kế của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Để hiệu quả triển khai Chỉ thị số 40 sâu rộng hơn nữa, Giám đốc NHCSXH NHCSXH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hằng đề nghị các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH; ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Chỉ đạo thường xuyên việc điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được kịp thời vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH. Đi đôi với đó, cần thực hiện lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội hãy tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hà Phương
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Bình Định: Cộng hưởng từ một chính sách nhân văn
- » Chỉ thị số 40 tạo bước chuyển quan trọng về tín dụng chính sách ở Đắk Nông
- » Lạng Sơn tăng cường nguồn vốn ưu đãi cho giảm nghèo
- » Hiệu ứng sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ở Yên Bái
- » Thực hiện Chỉ thị số 40 ở Yên Bái: Tăng trách nhiệm, rõ hiệu quả
- » Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, hướng đến giảm nghèo bền vững
- » Huyện lúa Đức Thọ khởi sắc từ nguồn vốn ưu đãi