Cho vay tín dụng vùng khó khăn: Tác động kép ở Lộc Bình

22/06/2018
(VBSP News) Không chỉ người nghèo hay các đối tượng chính sách mà nhiều người dân sinh sống trên địa bàn huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cũng được hưởng lợi từ chương trình cho vay tín dụng vùng khó khăn NHCSXH thực hiện. Nguồn vốn đã thêm “lực” cho đồng bào phát triển các dự án kinh tế gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh biên giới.
Loc-Binh

Nhờ nguồn vốn từ chương trình cho vay tín dụng vùng khó khăn, hộ vay Nguyễn Thị Lan đã thoát nghèo và có trong tay 4ha thông

Tạo sức bật cho người nghèo

Chúng tôi bị ấn tượng mạnh khi gặp hộ vay người dân tộc Tày, Nguyễn Thị Lan ở thôn Bản Lầy, xã Xuân Lễ. Dáng người nhỏ thó nhưng nhanh hơn sóc khi leo đồi thông cạo nhựa, bà Lan trẻ hơn nhiều so với tuổi gần 60 của mình. Đặc biệt, nhìn cái vóc dáng nhỏ bé ấy, ít ai nghĩ rằng bà Lan từng là một đại biểu HĐND xã và hiện là công an viên, hòa giải viên có “hạng” của Bản Lầy.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên về những công việc mà mình đang đảm nhiệm, bà Lan cười hiền lành: “Đều nhờ các cán bộ tín dụng Lộc Bình đấy!”

Từng là hộ nghèo nhất nhì trong thôn, chồng lại mất sớm, nên bà Lan phải gánh cả vai ông bố đối với 3 người con. Cuộc sống bươn chải, mưu sinh buộc người phụ nữ này phải luôn mạnh mẽ. Theo bà Lan, chính những đồng vốn ưu đãi mà các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Lộc Bình mang đến đã giúp bà và các con có sức mạnh vượt qua những ngày tháng cơ cực nhất; giúp bà trở nên cứng cỏi, đủ sức đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Hiện tại, đã qua thời đói nghèo, nhà cửa xây dựng kiên cố; bà Lan giờ chỉ tập trung chăm sóc cho 4ha thông, trong đó có 2ha đang cho thu hoạch; mỗi năm trừ chi phí, bà Lan thu về từ 30 - 40 triệu đồng. “Cũng nhờ cuộc sống đã có của ăn của để, con cái đã yên bề gia thất nên tôi mới có điều kiện tham gia công tác xã hội với địa phương”, bà Lan phấn khởi khẳng định.

Một điển hình khác cho sự vươn lên của đồng bào Lộc Bình là hộ vay Nông Văn Điện ở thôn Nà Tẩng, xã Hữu Lân. Dù không phải là đối tượng của NHCSXH, nhưng cuộc sống của gia đình ông Điện cũng chỉ khá hơn hộ mới thoát nghèo. Tuy nhiên, nhờ chương trình cho vay tín dụng vùng khó khăn, gia đình ông Điện đã đổi đời. Với 30 triệu đồng vốn vay, hiện gia đình ông sở hữu 2ha thông; đàn ngựa bạch 7 con trị giá hơn 200 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về những nỗ lực trong giảm nghèo của địa phương, ông Nông Văn Đức, Chủ tịch UBND, Trưởng ban giảm nghèo xã Hữu Lân cho biết, Hữu Lân là xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, chính quyền địa phương đã luôn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ các cấp các ngành, trong đó có vai trò không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhờ đó, xã triển khai, mở rộng thành công việc trồng 8 nghìn ha thông lấy nhựa; đưa cây thông trở thành cây mũi nhọn trong giảm nghèo của đồng bào DTTS.

Cũng theo Chủ tịch Nông Văn Đức, thị trường tiêu thụ nhựa thông thời gian qua khá ổn định, giá thu mua cao, nên nhiều hộ gia đình trong xã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một số hộ có mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn cho thấy, nguồn vốn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu SXKD của người dân. Đặc biệt, đối với các loại cây công nghiệp, thời hạn vay 5 năm chưa phù hợp.

An dân để giữ chắc vùng biên

Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Bình, Nguyễn Thị Mai Sao cho biết, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH đã tập trung huy động tạo lập nguồn vốn; đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả 13 chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao và các điểm xây dựng nông thôn mới, các hộ gia đình tham gia đề án thâm canh, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Hầu hết hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có yêu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn chính sách thuận tiện, kịp thời để phát triển kinh tế gia đình.

Từ việc cho vay có trọng tâm, trọng điểm, NHCSXH đã giúp địa phương khai thác tiềm năng lợi thế, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã phát huy nội lực, huy động lồng ghép các nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi. Nhờ vậy, diện mạo huyện vùng biên từng bước đổi mới về mọi mặt.

Về miền biên ải Lộc Bình hôm nay, điều dễ nhận thấy là tình trạng đất trống, đồi trọc, lau lách không còn mà thay vào đó là các triền ngô, lúa, các cánh rừng thông, keo lai xanh tốt. Người dân bám bản sản xuất, ổn định đời sống, không còn tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Đồng bào DTTS vùng biên giới đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh chính trị vùng dân tộc miền núi, xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị.

Hiện tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Lộc Bình đạt 357 tỷ đồng; đáp ứng cho trên 45 nghìn lượt hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Theo Bình Nhi (Báo ĐBND)

Các tin bài khác