“Cánh tay” nối dài giúp đưa vốn đến người nghèo
Tại ấp Sóc Chùa ở xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), gia đình anh Thạch Thành Trung nhiều năm liền thuộc đối tượng hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Không có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng anh phải làm thuê. Trong lúc loay hoay tìm kế sinh nhai, khoảng năm 2015, vợ chồng anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp hướng dẫn làm hồ sơ vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Tiếp đó, anh lại được hướng dẫn vay thêm 8 triệu đồng hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Có vốn, gia đình anh chuộc lại đất và đầu tư trồng hoa màu, gồm nhiều loại cây như lạc, đậu bắp,… kết hợp nuôi bò sinh sản. Ðến tháng 12/2016, gia đình anh Trung được xét duyệt cho vay chương trình hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33 của Chính phủ là 25 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình anh đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố thay cho căn nhà dột nát trước đây. Ðến nay, gia đình anh đã thoát nghèo.
Tương tự hộ anh Trung, gia đình chị Thạch Thị Chính ở ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Ðông, huyện Cầu Ngang thông qua sự hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Năm 2014, chị Chính được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để mua bò, đầu tư chăn nuôi. Gom góp dần từ số tiền bán bò, chị thuê thêm hai công đất để đầu tư nuôi tôm. Thu nhập từ hai nguồn trên đã đem lại cho gia đình chị gần 100 triệu đồng/năm tiền lãi sau khi trừ chi phí.
Chị Thạch Thị Thùy Linh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Sóc Chùa cho biết, hiện nay, toàn ấp có khoảng hơn 440 hộ, trong đó 90% là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Kinh tế của ấp chủ yếu dựa vào trồng lúa, nuôi bò,… cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH, nhiều gia đình hộ nghèo trong ấp đã được “tiếp sức”, có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ðơn cử như Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị quản lý, hiện có 58 thành viên với dư nợ gần 1,2 tỷ đồng. Nếu như từ năm 2005 trở về trước, tổ có hơn một nửa là thuộc diện hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo đã giảm hẳn, chỉ còn năm hộ. Ðời sống của người dân ngày được cải thiện, ổn định hơn.
Khẳng định vai trò của Tổ tiết kiệm và vay vốn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Trà Vinh Lê Hoàng Phi cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay” nối dài của NHCSXH, giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Chất lượng hoạt động của các tổ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, ổn định thì chất lượng tín dụng chính sách sẽ được nâng lên và ngược lại. Trước năm 2008, toàn NHCSXH tỉnh Trà Vinh có gần 4.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn trung bình khoảng 20 thành viên/tổ, dư nợ bình quân dưới 10 triệu đồng/thành viên. Sau khi củng cố, kiện toàn và sắp xếp lại, toàn chi nhánh hiện nay có 3.110 tổ, trung bình 41 thành viên/tổ, dư nợ bình quân đạt gần 16 triệu đồng/thành viên. Hiện nay, số tổ hoạt động tốt và khá chiếm gần 95%. Nhằm nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng tín dụng lâu dài và bền vững, đơn vị thường xuyên rà soát, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trung bình, yếu kém để có biện pháp củng cố kịp thời. Ðồng thời, vận động các thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, nhất là các tổ, thành viên vay vốn chưa thực hiện gửi tiết kiệm hoặc gửi số tiền còn thấp, không đúng với quy ước của tổ đề ra.
Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn được phân bổ rộng khắp trên tất cả các ấp, khóm trong toàn tỉnh, trực tiếp thực hiện một số nội dung được NHCSXH ủy nhiệm như: Tổ chức họp bình xét vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay; giáo dục, tuyên truyền ý thức trả nợ cho người vay, tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiết kiệm định kỳ hằng tháng; theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn; phối hợp tốt công tác xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro… Các tổ đều do các tổ chức hội, đoàn thể như: Nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh quản lý, nhận ủy thác với NHCSXH để giải ngân vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Có thể thấy, cùng với mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn, phương thức cho vay ủy thác đã gắn kết ngân hàng - chính quyền - hội, đoàn thể - Tổ tiết kiệm và vay vốn, chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức hội, đoàn thể có thêm điều kiện củng cố tổ chức để hoạt động hiệu quả hơn, cũng như nâng cao năng lực của cán bộ hội, đoàn thể. Nguồn vốn cho vay thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, cơ chế, thủ tục cho vay ngày càng thuận lợi cũng đã giúp cho các hộ vay vốn khởi tạo SXKD, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu, tăng thu nhập và thoát nghèo.
Theo Hồng Anh Báo Nhân dân
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” mới từ tín dụng chính sách
- » Cần lắm sự sẻ chia với hộ nghèo
- » Lợi ích kép từ việc gửi tiền tiết kiệm
- » Thoát nghèo từ vốn vay chính sách
- » Dấu ấn đồng vốn chính sách ở Văn Lãng
- » Đồng bào DTTS huyện Lộc Bình thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tạo đà giúp nông dân khởi nghiệp, làm giàu
- » Vốn tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn
- » “Bà đỡ” của người nghèo ở huyện Krông Pa
- » Huyện nông thôn mới Kim Bảng