Giúp nông dân thoát nghèo

21/12/2012
(VBSP) Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông dân chúng tôi thoát nghèo...

Năm 2011, toàn tỉnh Hải Dương có 54.227 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,9% số hộ. Với khoảng 132 nghìn nhân khẩu. Theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nghèo là do thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, không có việc làm hoặc ốm đau, bệnh tật… Nguồn vốn ưu đãi là một trong những yếu tố quan trọng giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Tựa, Chủ tịch Hội PN xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang đã dùng từ “nghèo có thâm niên” để nói về hoàn cảnh của gia đình anh Tạ Văn Luân, thôn Kim Húc. Từ mấy đời nay, gia đình anh Luân chỉ có nguồn thu nhập chính là nông nghiệp. Không có nghề phụ, hai vợ chồng anh quần quật từ sáng tới tối may lắm cũng chỉ đủ cho 4 miệng ăn. Năm 2006, anh Luân quyết định ra lập nghiệp ở vùng chuyển đổi Triều Diêm với hai bàn tay trắng. Để có vốn làm ăn, anh làm đơn vay 9 triệu đồng của NHCSXH. Với số tiền ít ỏi đó, vợ chồng anh bắt đầu lao vào cuộc chiến với cái nghèo. Ban đầu anh mua dê về thả và tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đào ao, thả cá trên vùng đất nhận khoán. Tuy nhiên, thời điểm đó nuôi dê hiệu quả không cao, nên anh quyết định chuyển sang nuôi bò. Hình như ông trời muốn thử thách lòng kiên nhẫn của anh khi giá bò thịt cũng giảm nhanh chóng. Lúc đó, anh bàn với vợ chuyển sang xây chuồng nuôi gà, lợn. Sau vài năm cố gắng, 6.000m2 ao của anh cũng đã thành hình. Anh quyết định xây dựng trang trại tổng hợp với mô hình “vườn - ao - chuồng” truyền thống. Trên bờ là gà, lợn và các loại cây trồng ngắn ngày. Dưới ao là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè… Anh Luân cho biết: “Từ năm 2009, trang trại của tôi mới bắt đầu cho thu nhập. Những năm trước còn bỡ ngỡ nên thu chỉ đủ chi, có dư đồng nào lại tập trung kiến thiết, hoàn thiện trang trại. Hiện giờ, mỗi năm tôi thu 1 - 2 lứa cá, chưa kể hàng tấn lợn và gia cầm các loại. Ngoài ra, tôi còn đứng ra phân phối thức ăn chăn nuôi các loại cho người dân trong xã. Mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập vài chục triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí”. Với mức thu nhập này, cái nghèo đã là quá khứ xa vời đối với gia đình anh Luân.

Chưa thể vươn lên giàu có, nhưng gia đình chị Trần Thị Khoan ở thôn La Giang, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã thực sự thoát nghèo nhờ nguồn vay của Nhà nước. Những năm trước, hai vợ chồng chị xoay trần với 1 mẫu ruộng mà vẫn nghèo. Thời gian rảnh rỗi, chồng chị tranh thủ đi làm thêm bên ngoài, nhưng cuộc sống của gia đình với 4 miệng ăn vẫn chẳng khá hơn bao nhiêu. Năm 2009, anh chị vay được 13 triệu đồng của NHCSXH. Với số tiền này, hai vợ chồng quyết định dành một nửa để mua chung một chiếc máy cày phục vụ việc làm đất của gia đình, vốn còn lại đầu tư cải tạo lại ao, vườn, mua gà, vịt về nuôi. Do vốn ít, mỗi lứa chị chỉ thả khoảng 100 con gà, vịt các loại. Cùng với 1,5 sào ao và 2 sào vườn, anh chị trồng nhãn, bưởi và thả các loại cá truyền thống. Để tiết kiệm chi phí, chị tranh thủ cắt cỏ và mua cám gạo về cho cá ăn. Nhờ chịu khó, tằn tiện, mỗi năm anh chị cũng thu được khoảng 20 triệu đồng từ ao, vườn và chăn nuôi. Chiếc máy cày mua chung cũng giúp gia đình tiết kiệm toàn bộ chi phí làm đất. “Ở thôn quê, mức thu nhập như vậy cũng tạm ổn. Nhờ đó, gia đình tôi có điều kiện lo cho con ăn học”, chị Khoan bộc bạch.

Nguồn vốn vay ưu đãi không chỉ giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ có vốn mở rộng sản xuất, hướng tới làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Hữu Phong ở thôn Song Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà. Anh Phong trở thành chủ xưởng gỗ và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với số vốn ban đầu vẻn vẹn 25 triệu đồng. Hay gia đình chị Phạm Thị Thịnh cũng ở xã Tân An nhờ vốn vay giải quyết việc làm đã mở rộng cơ sở dạy nghề của gia đình, trở thành địa chỉ dạy nghề tin cậy và tạo việc làm cho nhiều người nghèo, người tàn tật ở nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Lô, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương cho rằng, mặc dù số tiền mỗi hộ nghèo được vay của chương trình không nhiều, nhưng đây thực sự là đòn bẩy giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình. Những trường hợp thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi sẽ là động lực để các hộ nghèo khác mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 50 nghìn lượt hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ khoảng 749 tỷ đồng. Hiệu quả của chương trình thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 54.227 hộ nghèo, chiếm 10,9% số hộ thì năm 2012, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 45.532 hộ, chiếm 8,9%. Hiệu quả của chương trình cho vay hộ nghèo còn thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,038% tổng dư nợ, một con số thấp so với các chương trình khác.

 

Nguyễn Thị Má

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác