Nguồn vốn vay ưu đãi được CCB Đakrông sử dụng hiệu quả

23/12/2015
(VBSP News) Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực trong phong trào phát triển kinh tế, hội viên CCB huyện Đakrông (Quảng Trị) đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm và vươn lên làm giàu chính đáng.
Doanh nghiệp của CCB Mai Thanh Sơn đã giải quyết được việc làm cho cả con em CCB trong vùng

Doanh nghiệp của CCB Mai Thanh Sơn đã giải quyết được việc làm cho cả con em CCB trong vùng

Năm 2005, thông qua Hội CCB xã, hộ ông Hồ Văn Tế ở thôn Tà Lang, xã Hải Phúc, được vay 20 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH. Cầm món tiền lớn trên tay, ông kể nhiều người trong bản khuyên ông nên đầu tư sửa sang lại căn nhà sàn đã xuống cấp mà vợ chồng ông cùng các con đang sống tạm bợ qua ngày. Tuy nhiên, ông Tế kiên quyết dùng tiền vay đúng mục đích đầu tư bởi nếu sửa nhà thì 20 triệu đồng ông vay không đẻ thêm được đồng nào, lại sử dụng vốn không đúng mục đích và sau này lấy gì để trả nợ.

20 triệu đồng ngày đó được đầu tư khai hoang trồng 4ha rừng tràm, nay đã đến thời gian khai thác với giá trị lên đến 40 - 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, để duy trì cuộc sống gia đình trong những năm qua, ông còn chăm chỉ khai hoang được thêm 4 sào ruộng nước, trồng xen sắn, lạc… Đặc biệt, năm 2011 ông Tế cùng 10 gia đình khác ở thôn Tà Lang, trong đó có 6 gia đình là hội viên CCB xung phong nhận 10ha đất nằm trong dự án trồng thí điểm cây cao su của UBND xã Hải Phúc để khai hoang và trồng mới cao su. Gia đình ông đã trồng 700 gốc cao su được 4 năm tuổi, vẫn còn quá sớm để đánh giá được thổ nhưỡng ở đây có phù hợp với việc trồng cao su hay không nhưng chúng tôi cảm nhận được sức sống của vùng đất này qua đôi bàn tay cần mẫn của những CCB như ông Tế. Hơn 4 năm nay, dưới vườn cao su do mình đảm nhận, ông luân canh trồng đủ các loại cây như sắn, lạc, khoai… để vừa có thêm thu nhập, vừa cải tạo đất, chăm bón cho cây cao su. Với các nguồn thu nhập do chính bàn tay mình tạo dựng, cuộc sống của gia đình ông đã dần ổn định, đầu năm 2012, ông Tế ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Hải Phúc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề quản lý nguồn vốn vay ngân hàng của hội viên, Chủ tịch Hội CCB huyện Đakrông, Hồ Sỹ Tâm cho biết: “Để quản lý số vốn vay ủy thác sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo không bị thất thoát, lãng phí, chúng tôi thường xuyên phối hợp với NHCSXH chỉ đạo các cơ sở hội quản lý chặt chẽ số hộ vay vốn, đối tượng vay vốn và nguồn vốn được vay. Trước khi làm thủ tục vay vốn, hội viên phải đăng ký mô hình sản xuất và phải ký vào bản cam kết đầu tư nguồn vốn để xây dựng đúng mô hình đã đăng ký. Ngoài việc kiểm tra đột xuất hay giám sát định kỳ, hàng tháng các tổ chức hội đều có báo cáo kết quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn và công tác quản lý vốn vay ủy thác lên cấp trên nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, tồn tại để cùng phối hợp giải quyết. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết hội viên được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, vừa tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Hầu hết những hội viên được vay vốn ủy thác đều có các mô hình sản xuất phù hợp như: khai hoang ruộng nước, trồng ngô lai, lạc, sắn, chuối, trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn… với mức thu nhập trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm. Tỷ lệ hộ CCB nghèo trong huyện Đakrông chỉ chiếm 7,7% với 118 hộ. Đặc biệt, ở Hội CCB huyện Đakrông hiện nay có doanh nghiệp của CCB Mai Thanh Sơn hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 15 - 20 lao động là con em CCB trong huyện”.

Theo lời giới thiệu của ông Tâm, chúng tôi tìm đến gia đình CCB Mai Thanh Sơn (sinh năm 1964) ở thôn Phú Thành, xã Mò Ó. Hiện ông Sơn là Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lam chuyên về xây dựng dân dụng, giao thông, thủy lợi, gỗ mộc, cơ khí… Từ một người lính từng tham gia chiến đấu ở Campuchia, ông Sơn trở về quê hương với quyết tâm không cam phận khó, làm đủ nghề để nuôi sống gia đình và vợ con như chạy xe thồ, thợ may, thợ hồ… Đến năm 1997, ông Sơn dành dụm được ít tiền để mở xưởng cưa xẻ gỗ gia công. Nhanh nhẹn, tháo vát lại có đầu óc thực tế nên xưởng cưa ông Sơn hoạt động khá hiệu quả. Với năng lực quản lý và uy tín của mình, xưởng cưa của ông Sơn ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt khi hay tin ông là CCB duy nhất ở Đakrông thành lập được doanh nghiệp, nhiều hội viên đến xin ông cho con em mình được vào học việc và làm việc ở xưởng cưa. Trước sự tin tưởng của đồng đội, ông Sơn tiếp tục mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để tiếp nhận con em đồng đội vào làm việc. Sau 8 năm ra đời, Công ty TNHH Sơn Lam đã vươn rộng ra nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó xây dựng trở thành thế mạnh của công ty với 4 đội xây dựng lành nghề, trung bình mỗi đội có 8 - 12 công nhân, với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng tùy theo công việc.

CCB Sơn chia sẻ: “Những ngày đầu mới thành lập doanh nghiệp, vốn không có, cơ sở vật chất cũng chưa có gì, ngoài việc được anh em nội ngoại giúp đỡ, rất may lúc đó tôi được Hội CCB huyện tạo điều kiện để được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm và vốn vay từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ NHCSXH. Với tôi đó thực sự là đồng vốn nghĩa tình giúp tôi gây dựng nên cơ nghiệp ngày nay”.

Giám đốc NHCSXH huyện Đăkrông, Nguyễn Văn Linh cho biết, tại một huyện nghèo 30a của Chính phủ với 80% dân số là đồng bào DTTS, để đạt được những kết quả như Hội CCB huyện Đăkrông đã nỗ lực rất lớn, hội đã làm tốt công tác tuyên truyền đến hướng dẫn các hội viên và quản lý vốn vay để đảm bảo chất lượng tín dụng. Trong tương lai, rất mong hội phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, đặc biệt tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế để tín dụng chính sách gần gũi với bà con, giúp bà con cải thiện đời sống.

Bài và ảnh Lâm Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác