Bạn của nông dân trong giảm nghèo bền vững

01/10/2015
(VBSP News) Bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh Lào Cai đang sáng màu nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là những cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hội Nông dân các cấp, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, giúp hội viên thoát nghèo

Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, giúp hội viên thoát nghèo

Thổi bùng “ngọn lửa” mong muốn thoát nghèo

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai Phạm Đăng Bốn, nhấn mạnh: “Muốn giảm nghèo bền vững, cốt yếu nhất phải thay đổi suy nghĩ của người dân, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước”. Theo đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo. Tại các buổi sinh hoạt, cán bộ hội cơ sở trở thành những tuyên truyền viên tích cực giúp hội viên có ý thức vươn lên, tìm mọi cách để thoát nghèo; khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển sản xuất.

Với phương châm trao “cần câu”, không trao “con cá”, các cấp Hội Nông dân đã vận dụng mọi hình thức tạo vốn cho hội viên, tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH; đồng thời, hướng dẫn người dân cách sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Thấm ở thôn Dạ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, một trong những hộ dân của thành phố thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Năm 2012, anh Thấm vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Có vốn, anh đầu tư mua máy móc làm dịch vụ xay xát, đồng thời đầu tư chăn nuôi lợn thịt và lợn giống. Từ một con lợn nái, kiên trì chăn nuôi qua các năm, đến nay, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường 100 con các loại. Nguồn vốn tích lũy được, anh Thấm đào ao nuôi cá thịt, với 780m² mặt nước, mỗi năm gia đình anh thu 1,5 - 2 tấn cá thịt. Năm 2013, gia đình anh Thấm trở thành hộ SXKD giỏi, trừ chi phí, hàng năm thu lợi 120 - 150 triệu đồng.

Song song với đó, các cấp Hội Nông dân tích cực tổ chức các hoạt động chuyển giao KHCN, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hướng dẫn hội viên nông dân đưa các giống mới, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; phòng, chống dịch bệnh, hạn chế rủi ro trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Một trong những cách làm được các cấp hội triển khai sâu rộng đó là nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, SXKD giỏi qua các buổi tham quan thực tế, hoặc tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm.

Bà Sầm Thị Hoàn - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Dạ 2, xã Cam Đường cho biết: “Mấy năm gần đây, chúng tôi thường xuyên được tham dự hội thảo trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh. Cách làm “người thật, việc thật” giúp khơi gợi ý chí làm giàu của các hộ dân, đồng thời được trực tiếp giải đáp những vướng mắc trong phát triển kinh tế từ chính những “tiền bối” đã thành công trong lĩnh vực mà mình quan tâm, sẽ giúp cho bà con có nhiều bài học quý để áp dụng tại gia đình”.

Giảm nghèo nhanh và bền vững

Nhờ hiểu rõ được chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu được sự cần thiết của việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương, tâm lý trông chờ, ỷ lại của các hội viên nông dân vào Nhà nước đã được giảm thiểu.

Nhấn mạnh về bước chuyển trong nhận thức và việc làm của hội viên nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Đăng Bốn, cho biết: Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thì nay người dân ý thức được rằng, muốn giảm nghèo bền vững phải nỗ lực, tự lực là chính. Từ các nguồn vốn vay, người dân đầu tư vào sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Nhờ tích cực học hỏi phương thức sản xuất mới, bà con mạnh dạn đưa những loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương vào sản xuất, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Từ những mô hình kinh tế mới, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 35,29%, thì năm 2014 giảm còn 17,61%, phấn đấu kết thúc năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%.

Bài và ảnh Phương Dung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác