Ý Đảng hợp với lòng dân
Lạc Thủy là huyện miền núi thấp nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình có diện tích đất nông nghiệp hơn 26 nghìn héc ta, tỷ lệ hộ nghèo 16,2%. Do là huyện miền núi nên kinh tế phát triển còn chậm, chưa đồng đều, nhất là ngành sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Lạc Thủy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã góp phần đắc lực giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Lạc Thủy có điều kiện để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Tính đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện là 170 tỷ đồng với 10.229 hộ vay. Trong đó tập trung vào một số chương trình tín dụng như chương trình hộ nghèo 49 tỷ đồng; hộ cận nghèo xấp xỉ 31 tỷ đồng; HSSV đạt 22,7 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 32,6 tỷ đồng, NS&VSMTNT 22 tỷ đồng… Nguồn vốn của NHCSXH góp phần quan trọng giúp 458 hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo trong năm 2014.
Là một trong những hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để thoát nghèo, bà Triệu Thị Hằng ở thôn Vai, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, cho biết: “Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, sức lao động có nhưng không có tiền để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nên quanh năm cũng không đủ ăn. Từ khi biết đến NHCSXH và sự đổi thay của nhiều hộ gia đình khi vay vốn NHCSXH, làm ăn hiệu quả, có của ăn của để, gia đình tôi đã tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2012 gia đình tôi được vay 25 triệu đồng hộ nghèo đầu tư mua 2 con nghé, sau 3 năm trâu phát triển tôi bán 1 con cộng với số tiền gia định tích lũy đã trả nợ gốc ngân hàng. Dù đã được xếp vào diện thoát nghèo nhưng tôi vẫn lo lắm, vì số tiền tiết kiệm được chẳng đáng là bao, muốn mở rộng sản xuất cũng khó, nếu không được tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, chẳng may gặp dịch bệnh là “cụt vốn”, tái nghèo ngay”.
Không chỉ hộ bà Hằng mà rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trong huyện từng được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Sau khi hoàn trả đủ tiền vay cả gốc lẫn lãi, bà con đa phần đều muốn tiếp tục được vay vốn chính sách để mở phát triển chăn nuôi, duy trì ổn định kinh tế gia đình, nhưng họ lại không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, hơn nữa do thiếu vốn làm ăn nên cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ tái nghèo. Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành quyết định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, có hiệu lực từ ngày 5/9, những hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành được UBND cấp xã xác nhận có thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm được vay vốn sản xuất, kinh doanh với mức cho vay tối đa không quá 50 triệu đồng, trong thời hạn tối đa không quá 5 năm, lãi suất bằng 125% lãi suất cho vay hộ nghèo.
Đây không chỉ là niềm vui của bà Hằng nói riêng mà còn là còn là niềm vui chung của hơn 2.000 hộ mới thoát nghèo của huyện Lạc Thủy có mong muốn được vay vốn ưu đãi để ổn định sản xuất. Nông dân nghèo luôn cần sự hỗ trợ từ chính sách, nếu cho người mới thoát nghèo được vay vốn thêm thì cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm cho họ một cơ hội làm giàu chính đáng.
Bà Hằng chia sẻ: “Được vay vốn hộ mới thoát nghèo ngay đợt đầu tiên với số tiền 40 triệu đồng, gia đình tôi sẽ mua thêm 2 con trâu nữa, hy vọng trâu mau lớn, sinh sản, tạo ra thu nhập để gia đình bớt khó khăn, có tiền tích lũy để làm vốn phát triển thêm cây trồng, vật nuôi. Những hộ mới thoát nghèo như gia đình tôi được tiếp tục vay vốn chính sách thì cơ hội rời xa hẳn cái nghèo là rất lớn”.
Ông Lưu Văn Thụ - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Lạc Thủy, cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo, NHCSXH huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn các xã, phường về đối tượng, quy trình, thủ tục, thời hạn cho vay. Quá trình tổ chức rà soát, lập danh sách các hộ mới nghèo đủ điều kiện vay vốn được thực hiện công khai, dân chủ. Các hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn sẽ được tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách nhanh nhất. Quy trình giải ngân được thực hiện trực tiếp tại các Điểm giao dịch dưới sự giám sát chặt chẽ của NHCSXH huyện, UBND xã và Ban giảm nghèo của các địa phương.
Bài và ảnh Văn Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo ở Đắk Lắk
- » Đồng vốn giúp CCB thoát nghèo
- » Phụ nữ miền đất quế vươn lên thoát nghèo
- » Lâm Đồng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Hội thảo đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện các nhóm chính sách tín dụng hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm
- » Ký kết hợp đồng triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning
- » Vốn chính sách giúp thanh niên miền núi làm giàu
- » Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP
- » Những ước mơ thành hiện thực
- » Phụ nữ Phước Thuận biết cách làm giàu từ nguồn vốn nhỏ