Tăng cường vốn cho phát triển rừng
Giai đoạn 2006 - 2010, toàn huyện đã trồng được khoảng 9.000ha rừng tập trung, 446ha rừng phân tán và khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh gần 24.000ha bằng các nguồn vốn Dự án 661, Dự án Việt Đắc, vốn tự có của nhân dân, trong đó: vốn ưu đãi chiếm tỷ lệ hơn 40%, tạo điều kiện để phát triển kinh tế rừng.
Ngày nay, dọc tuyến Quốc lộ 279 đoạn từ thị trấn An Châu đến xã Long Sơn đã hiện ra bạt ngàn rừng thông, keo, bạch đàn được trồng ngay hàng, thẳng lối, ken dày tán lá với nhiều tầng tạo nguồn sinh thuỷ dồi dào. Ông Nguyễn Ngọc Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn phấn khởi cho biết: “Long Sơn giờ không còn đất trống, đồi núi trọc. Toàn xã đã sử dụng hơn 14 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH trồng được gần 2.000ha rừng kinh tế. Khai thác đến đâu, người dân vừa trả nợ cũ vay của ngân hàng khi đến hạn, vừa tích luỹ chuẩn bị năng lực để trồng mới ngay đến đó. Một số hộ nhờ sử dụng vốn ưu đãi làm kinh tế vườn đồi, vườn rừng thoát cảnh nghèo khó, làm nhà mới, mua cả ô tô bán tải nhờ có tiền bán gỗ. Ngoài nguồn lợi từ rừng trồng, đồng bào dân tộc trong xã còn có thu nhập khá từ làm sản phẩm phụ như ba kích, nấm lim, nhựa thông, măng tre…”.
Ông Nguyễn Văn Nạp sinh sống ở thôn Thượng, xã Long Sơn trước đây chưa chú trọng đến trồng rừng và thiếu vốn, lo ngại đầu ra bấp bênh. Năm 2007, được Hội CCB xã động viên và NHCSXH cho vay vốn ưu đãi kịp thời, ông đã trồng 3,8ha thông. Vào năm sau thấy thị trường lâm sản khởi sắc, gỗ được giá, tiêu thụ dễ dàng, ông vay tiếp 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, mở rộng diện tích rừng, đến nay có tổng số 15ha. Mỗi năm ông bán 2ha keo 5 tuổi, thu lãi hơn 70 triệu đồng. Diện tích trồng thông ông coi như “của để dành”. Dự định 3 năm nữa mới khai thác, nhẩm tính sẽ có số tiền vài trăm triệu đồng.
Cũng như Long Sơn, kinh tế rừng ở Dương Hưu có chuyển biến tích cực. Chính quyền xã vận động, hướng dẫn các hộ mạnh dạn đầu tư vốn vay ưu đãi trồng rừng, ươm cây giống tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển. Hiện tại, xã Dương Hưu có hơn 3.500ha rừng kinh tế, trong đó có 1.200ha đến tuổi khai thác. Gia đình ông Bàn Vũ Quyền ở thôn Mùng, xã Dương Hưu đầu tư toàn bộ vốn vay ưu đãi cùng số tiền tiết kiệm của gia đình đã trồng được 25ha keo lá tràm. Năm ngoái, ông đã khai thác hơn 10ha, thu lợi nhuận 350 triệu đồng. Nguồn thu từ rừng có được từ sự tiếp sức của đồng vốn chính sách đã giúp cuộc sống của gia đình ông Quỳnh và nhiều hộ khác trong thôn, xã giảm nghèo nhanh, no ấm, sung túc và thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển. Đến nay, vùng quê nghèo khó đã thay đổi từng ngày, có gần 40 ô tô đáp ứng nhu cầu vận chuyển gỗ.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và cải tạo rừng tự nhiên trong giai đoạn tiếp theo, UBND huyện Sơn Động tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, khuyến khích tích tụ đất để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung…
“Căn cứ vào Đề án phát triển kinh tế rừng của huyện, NHCSXH chúng tôi thời gian qua đã giải ngân cho các xã, các hộ trồng rừng hơn 90/282 tỷ đồng tổng dư nợ của 8 chương trình tín dụng. Hướng tới, NHCSXH sẽ chủ động đổi mới công tác cho vay, tăng nguồn vốn vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng độ che phủ của rừng lên 78%, vượt 4,5% so với mục tiêu đề ra” - ông Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Động cho biết.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vùng cao Tây Giang đang đổi mới
- » Đức Ninh giúp người nghèo vươn lên
- » Tín dụng HSSV tiếp bước cho phong trào hiếu học
- » Lào Cai đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho vay HSSV
- » Vay vốn ở Hữu Kiên: Chuyển biến từ tuyên truyền
- » Động lực cho hộ cận nghèo
- » Nỗ lực nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Tiếp sức cho người dân Xứ đạo Kim Sơn
- » Luân canh cây trồng ở vùng đất cát
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn tiểu khu Châu Giang được xếp loại tốt nhiều năm