Bạc Liêu phát triển mô hình nuôi tôm, cua
Trong số 398 hộ nông dân vay vốn, chỉ có 135 hộ vay mức 20 triệu đồng, số còn lại được vay tối đa 30 triệu đồng, thời gian vay theo chu kỳ trồng rừng, nuôi con đặc sản và lãi suất ưu đãi theo quy định chung của NHCSXH.
Anh Nguyễn Văn Trường - một trong những hộ tiên phong trong phong trào xây dựng mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng tràm ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, cho biết: “Trước đây, toàn bộ diện tích nuôi tôm, cua của địa phương là thuộc vùng đất sình lầy, hoang hóa nằm ngoài đê bao biển Đông, gia đình tôi ra đây khai hoang lập trang trại nuôi tôm, cua và trồng rừng phòng hộ”. Tuy nhiên, để có được diện tích nuôi tôm, cua và trồng rừng, anh Trường phải bỏ ra một lượng vốn lớn và công sức để cải tạo và mua con giống. “Muốn làm ăn lớn phải có vốn. Tôi chủ yếu vay mượn họ hàng, bạn bè, trừ các khoản chi phí còn lời lãi thu chẳng được bao nhiêu”, anh Trường tâm sự.
Năm 2010, anh được NHCSXH giải quyết cho vay 30 triệu đồng. Có thêm vốn liếng, lại là vốn chính sách nên vợ chồng anh Trường phấn khởi mở rộng diện tích ao nuôi, mua thêm con giống loại tốt, áp dụng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng phòng hộ. Mỗi năm, anh nuôi thả tôm 4 đợt và mỗi một tháng lại thả gây nuôi một đợt cua giống. Sau 3 tháng nuôi, anh bắt đầu thu hoạch tôm, cua lớn để bán. Bên cạnh đó, hàng ngày, anh Trường còn đặt lú bắt tôm, cua bán bình quân được 300 nghìn đồng/ngày. Như vậy, mỗi năm, trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình anh Trường còn lãi trên 50 triệu đồng.
Nhờ bảo vệ tốt rừng phòng hộ nên tôm, cua sống dưới tán rừng ít bị dịch bệnh; đồng thời, rừng đước cũng ngày càng xanh tốt. Anh Trường nói: “Mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân vùng ven biển thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Đước ngụ tại ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, là người thành công trong việc sử dụng vốn vay của NHCSXH vào xây dựng mô hình sinh thái tôm - cua - rừng đạt hiệu quả và khẳng định tính bền vững từ mô hình. Năm 2011, với 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, ông mướn máy vét bùn, cải tạo làm bờ bao khép kín, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước, kết hợp tỉa cây, dọn dẹp vệ sinh ao, đầm nuôi con đặc sản.
Với hơn 5ha diện tích mặt nước, ông thả tôm với mật độ 14 - 20 con/m2, cua với mật độ 500 - 1000 con/ha và chia thả từ 6 - 8 đợt/năm. Năm 2012, mùa tôm, cua gia đình ông bỏ túi 350 triệu đồng. Ông Đước dự tính, sau khi trả hết nợ cho ngân hàng, tiền tích luỹ được, ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi.
Ông Nguyễn Quốc Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hải, cho biết: là huyện có diện tích nuôi tôm, cua dưới tán rừng lớn, với hơn 2.000ha mặt nước, trong đó hơn 1.000ha của các hộ tham gia dự án. Được NHCSXH tiếp vốn và Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư mở các lớp tập huấn kỹ thuật, các hộ nuôi cua, tôm đã được tiếp thêm nguồn lực để mở diện tích ao nuôi, chủ động mua con giống, thức ăn… Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại rất cao, không ít hộ dân tăng thu nhập, thoát nghèo khó, vươn lên làm giàu.
Ông Lượng thông tin thêm, sau khi triển khai dự án cho vay vốn ưu đãi của NHCSXH, chính quyền cơ sở cùng các tổ chức hội, đoàn thể ở huyện đã tăng cường công tác giám sát việc thực hiện giải ngân, đảm bảo cho vay vốn đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Các hộ tham gia dự án nuôi tôm, cua dưới tán rừng phòng hộ còn thành lập nhóm đoàn kết nuôi tôm, cua để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Bài và ảnh Trần Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hoài Ân phát triển nghề dâu tằm
- » Sức bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Nga Thái
- » Nghị lực thoát nghèo của nông dân Nguyễn Văn Dần
- » Giúp nông dân giảm nghèo bền vững
- » Giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay
- » "Điểm tựa" của người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế
- » Để vốn vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả
- » Hiệu quả từ công tác lồng ghép vốn và dự án
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí