Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm…

21/06/2013
(VBSP News) Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2013), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ đã dành cho phóng viên Thời báo Ngân hàng cuộc trả lời phỏng vấn.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH, giai đoạn 2003 - 2012 được tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 4/2013

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH, giai đoạn 2003 - 2012 được tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 4/2013

Trách nhiệm xã hội của nhà báo có những nội dung gì trong khi phải cạnh tranh và tăng độ hấp dẫn bằng yếu tố “nhanh nhất có thể” trong thời đại internet?

Nhanh và hấp dẫn bao giờ cũng là những yêu cầu hàng đầu đặt ra cho những người làm báo dù ở bất kỳ chế độ nào, thuộc nền báo chí nào. Và muốn đạt được điều đó báo chí thường chạy đua mà thực tế là cạnh tranh nhau về tốc độ và sức thu hút thông qua việc tìm và cung cấp những nội dung thông tin mới và dùng những cách thể hiện độc đáo, cuốn hút, tạo sự hấp dẫn ngay dòng tin đầu tiên.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Hà Minh Huệ

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Hà Minh Huệ

Điều này càng đúng trong thời đại internet hiện nay, khi thế giới trở nên phẳng, thu hẹp không gian thông tin, tạo cảm giác như thế giới trở nên nhỏ bé hơn.

Ở nước ta, nền báo chí cách mạng không nằm ngoài quy luật đó. Thông tin chúng ta không chỉ cần nhanh nhạy, hấp dẫn, mà còn chính xác, phục vụ lợi ích nhân dân. Chính xác và đúng về bản chất sự việc, đúng với yêu cầu thông tin, tuyên truyền, đúng với nhu cầu thông tin của xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông tin còn phải khách quan, không thiên vị, không vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm như lâu nay chúng ta nói.

Chính vì những yêu cầu đó, một số cơ quan thông tin báo chí đặt ra “khẩu hiệu” hành động khá ngắn gọn và đầy đủ là “nhanh, đúng, trúng, hay”; phấn đấu để đảm bảo thông tin nhanh về tốc độ, đúng về bản chất sự việc, trúng với yêu cầu tuyên truyền, hay và hấp dẫn để thu hút độc giả, để tạo sự đồng thuận, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được phổ biến, được triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống.

Với tất cả yếu tố đó, thì trong cuộc cạnh tranh này, người thắng cuộc luôn là độc giả, khán, thính giả và chính điều này làm nên sứ mệnh cao cả của báo chí, của người làm báo. Cuộc cạnh tranh đó bao giờ cũng lành mạnh, trừ phi người ta cố gắng bằng mọi cách để đạt được điều đó, phớt lờ đi yếu tố đạo đức, quên đi trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Trong cuộc đua tốc độ, một số nhà báo vội vàng, tung ngay thông tin chưa được kiểm chứng, chỉ để đạt được mục tiêu trở thành người đầu tiên cung cấp thông tin. Để có sự hấp dẫn, người viết đôi khi còn “phịa” ra những tình tiết ly kỳ, không hề có chút sự thật. Vụ thông tin “bố chồng dính chặt nàng dâu” là một thí dụ điển hình. Trong lĩnh vực ngân hàng, chỉ cần thông tin “báo động giả” về vụ đổ bể một ngân hàng nào đó cũng đủ gây thiệt hại hàng tỷ đồng trong giây lát. Hậu quả xã hội thật khôn lường.

Trách nhiệm đối với xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo, người được trao thực hiện chức năng thông tin, định hướng dư luận xã hội là đảm bảo cung cấp thông tin khách quan, trung thực, chính xác cao tới mức có thể để thông tin đến với độc giả là thông tin “sạch”. Trách nhiệm này cần được quán triệt qua lời dạy của Bác Hồ, người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam: Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam cho lãnh đạo các cơ quan báo chí

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam cho lãnh đạo
các cơ quan báo chí

Ảnh: Mạnh Tùng

Các trang tin điện tử tăng nhanh đi kèm với việc sao chép không bản quyền tràn lan. Theo ông, các cơ quan quản lý báo chí cần có giải pháp gì để bạn đọc không bị loạn thông tin về bản chất của các tin trên mạng?

Sao chép, cắt dán thông tin mà người ta vẫn gọi là “đạo tin”, ăn cắp bản quyền là hiện tượng trở nên phổ biến trong thời đại internet hiện nay. Một thông tin mới của báo này vừa đưa lên mạng thì ít phút sau đó đã được lan truyền rộng khắp trên mạng internet, được các báo, trang thông tin điện tử lấy lại dưới dạng nguyên bản, có đề nguồn hoặc không đề nguồn, hoặc được gia công, thêm chi tiết này kia là đã trở thành sản phẩm mang tên tác giả khác.

Tình trạng vi phạm bản quyền kiểu này đã bị lên án mạnh mẽ, nhưng vẫn tiếp diễn. Báo Năng lượng mới là người nổ phát súng đầu tiên, tố cáo và dọa kiện ra tòa trang thông tin điện tử “baomoi.com” về việc lấy “vô tư, vô tội vạ” thông tin của Petrotimes (báo Năng lượng mới điện tử). Ngay sau đó, các báo điện tử khác cũng đã đồng loạt lên tiếng, phê phán tình trạng lấy, sử dụng thông tin không xin phép, không đề nguồn thông tin gốc, quy tội sống dựa trên lưng người khác, lấy công sức của người khác để kinh doanh vụ lợi.

Đúng là cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, việc sao chép thông tin khá dễ dàng, chỉ cần những cú nhấp chuột nhẹ nhàng là đã có đủ thông tin các loại, biến sản phẩm thông tin của người thành của mình ngay. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi số lượng các trang thông tin điện tử tăng vọt, những trang thông tin này không thực hiện đúng chức năng như được cấp phép mà hoạt động như những tờ báo.

Ngoài việc sao chép thông tin của báo khác, trang thông tin còn cử nhân viên đi dự các sự kiện, họp báo để đưa tin. Những trang thông tin đó có thể thuộc tổ chức, doanh nghiệp, công ty, những nhân viên đi thu thập thông tin không là nhà báo, không có thẻ hành nghề báo chí. Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp, gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 1432/BTTTT-PTTH&TTĐT, quy định rõ hoạt động của nhân viên trang tin điện tử.

Theo tôi, trách nhiệm về tình trạng vi phạm như thế này, trước hết thuộc về người quản lý, cơ quan chủ quản của báo, của trang thông tin điện tử.

Bất cứ lĩnh vực nào cũng phải thực hiện Luật Bản quyền. Báo chí chúng ta còn có Luật Báo chí, người làm báo có Quy định về đạo đức nghề nghiệp. Tất cả phải được tuân thủ đúng và đầy đủ. Vi phạm pháp luật cần phải xử lý bằng pháp luật. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp cần phải được chấn chỉnh và áp dụng chế tài. Việc hành nghề không trung thực, lấy thông tin của người khác làm của mình, không thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo là vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Giải pháp sớm là cần tiếp tục giáo dục và phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của người làm báo; các cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường chế tài, xử lý đúng người đúng tội.

Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, nhà báo cần chú trọng những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp gì?

Tại Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 8/2005, Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, gồm 9 điều, đã được thông qua và ban hành. Quy định này bao trùm đủ từ điều khoản về lòng trung thành với Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân tới các nguyên tắc hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, gương mẫu chấp hành pháp luật, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, thực hiện tốt trách nhiện xã hội, nghĩa vụ công dân. Quy định này còn có điều nói về trách nhiệm thường xuyên học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ…

Quy định này được xây dựng theo yêu cầu của Ban Bí thư. Trước đó, Hội Nhà báo đã có Quy ước về đạo đức nghề nghiệp. Quy ước là những điều thỏa thuận, ước định với nhau, nhưng đã là Quy định thì việc thực hiện mang tính bắt buộc. Những người làm báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện quy định này, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cơ chế kinh tế thị trường đã và đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Theo PV Thời báo Ngân hàng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác