Người dân vùng biên giới tỉnh Quảng Nam vay vốn để giảm nghèo
Vay tiền làm ăn, sửa nhà
Vào khu dân cư mới nhiều năm, căn nhà cũ của vợ chồng anh Cơlâu Chân ở thôn Pơr’ning qua mươi mùa mưa xuống cấp, hư hỏng. Từ sự hướng dẫn của UBND xã Lăng và nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Tây Giang, vợ chồng anh Cơlâu Chân và Zơrâm Bhích sửa chữa lại căn nhà cũ. Đồng thời, vợ chồng anh mua thêm đôi heo, bò bổ sung đàn chăn nuôi để có tiền trả nợ.
Mạnh dạn làm ăn từ nguồn vốn vay chính sách là chỗ dựa cho vợ chồng anh nhiều năm qua. Vay vốn chăn nuôi, trồng rừng sau khi hoàn trả đúng hạn, vợ chồng anh lại tiếp tục vay sửa chữa nhà ở. “Trước đây mình vay 50 triệu trả xong rồi, giờ vay thêm để sửa nhà ở cho an toàn. Làm rẫy, chăn nuôi bán có tiền trả thôi”, chị Zơrâm Bhích cho biết.
Chị Arâl Kiều - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Pơr’ning cho biết: Cả thôn Pơr’ning có 60 chị em phụ nữ tham gia vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng vốn vay hơn 1 tỷ đồng. Nhóm phụ nữ trong thôn mua thêm bò, trâu, mở rộng vườn quế, ba kích; nhóm phụ nữ đan, thêu trang phục truyền thống bán cho khách du lịch, lên rừng hái măng, nấm lim xanh, làm rẫy… để tăng thu nhập. Tổ vận động chị em mạnh dạn vay và giám sát, theo dõi để vốn sinh lời, có hiệu quả. Tích góp, chị em đủ trả dần khi đến kỳ hạn thanh toán. Vì vậy, các nguồn vốn hộ nghèo, cận nghèo, sửa chữa nhà ở và giải quyết việc làm liên tục được vay và hoàn trả phần lớn đúng hạn.
Anh Bling Miêng là Giám đốc Hợp tác xã Nông dược và du lịch Lộc Trời có 21 thành viên là hộ dân vùng giáp ranh hai xã biên giới là xã Lăng và xã Tr’Hy. Ở vùng núi còn nhiều hộ nghèo, anh muốn phát triển kinh tế để cùng bà con vươn lên có cuộc sống, thu nhập tốt hơn.
Phát triển mô hình sản xuất dược liệu dưới tán rừng, anh cùng các thành viên Hợp tác xã trồng 15ha ba kích dưới tán rừng, tán cây quế… Đồng thời, gia đình anh kết hợp thí điểm chăn nuôi đàn bò, dê hướng dẫn bà con cùng làm để có thu nhập. “Nơi này còn nhiều hộ nghèo, mình làm kinh tế mô hình dược liệu, kết hợp chăn nuôi để kéo bà con cùng làm có thu nhập. Lấy ngắn nuôi dài”, anh Anh Bling Miêng trải lòng.
Để có nguồn kinh phí đầu tư, các thành viên hợp tác xã góp vốn, anh vay thêm từ các nguồn hỗ trợ, ưu đãi của NHCSXH huyện Tây Giang. Vay hơn 100 triệu mua bò, heo, ba kích sau khi trả nợ, vốn vay lại xoay vòng tái đầu tư dần.
Hỗ trợ cho bà con vươn lên để giảm nghèo
Chủ tịch xã Tr’Hy Cơlâu Rinh cho biết: Toàn xã có gần 390 hộ, với 1.500 nhân khẩu. Ở xã biên giới này, 98% hộ dân vay vốn đầu tư cây dược liệu, cây ăn quả, làm nhà, trồng quế, chăn nuôi. Toàn xã có 8 nhóm hộ cùng tham gia trồng gừng sẻ, nuôi heo bản địa theo mô hình tập trung; phát triển 11ha dược liệu gồm ba kích, đẳng sâm…
Vay vốn ưu đãi, hỗ trợ từ các chính sách là một trong những giải pháp hiệu quả giúp người dân miền núi giảm nghèo. Năm 2022, toàn xã có 226 hộ nghèo, chiếm 58%; năm 2023, xã phấn đấu giảm 4-5%, đưa 25 hộ thoát nghèo. Với phong trào cùng xây dựng nông thôn mới, bà con trong xã mạnh dạn vay vốn chính sách để làm kinh tế. Mỗi hộ ít nhất cũng có 300 - 400m² vườn quế, nhiều nhất có hộ hơn 2ha quế. Năm ngoái, giảm 5% hộ nghèo, năm nay phấn đấu nhiều hơn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, NHCSXH huyện Tây Giang bố trí nguồn vốn cho 567 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn sản xuất kinh doanh; 223 lao động vay vốn có việc làm ổn định; 78 hộ vùng khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh; 554 hộ được vay vốn sửa chữa nhà ở an toàn trước mùa mưa bão.
Thông qua 106 Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với NHCSXH, nhân dân vùng biên giới vay vốn làm kinh tế, nhà ở với tổng dư nợ gần 250 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội huyện Tây Giang tích cực tuyên truyền, phổ biến về vốn tín dụng chính sách xã hội, công tác bình xét cho vay, đối tượng được vay vốn, tham gia tiền gửi tiết kiệm…
Giám đốc NHCSXH huyện Tây Giang Vũ Định cho biết: “Chúng tôi phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội huyện nhận ủy thác đã thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hội cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, tổ chức công tác đào tạo, tập huấn định kỳ cho các hội, đoàn thể và các Tổ tiết kiệm và vay vốn”.
Trong những năm qua, huyện Tây Giang triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, trang trại với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng biên giới. Chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, học nghề, sửa chữa nhà ở, xuất khẩu lao động…
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Mạc Như Phương khẳng định: Rất nhiều nguồn vốn vay ưu đãi từ nhiều chính sách khác nhau giúp người dân chủ động vốn làm ăn, cải thiện thu nhập, đời sống. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 4 - 5%. Nhiều mô hình kinh tế vườn tiêu biểu như trồng cam, đảng sâm, ba kích, du lịch cộng đồng… đang từ bước hình thành là tín hiệu tốt cho bà con.
Đông Huyền
Các tin bài khác
- » ĐBQH Chu Thị Hồng Thái - Lạng Sơn: Mức hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mới cho một hộ nghèo chưa đủ đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng”
- » Vươn lên nhờ vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc
- » Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài cuối: Khởi sắc ngành công nghiệp không khói)
- » Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài 2: Cùng nhau dệt những mùa vàng)
- » Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài 1: Tận tâm bám trụ)
- » Nguồn vốn chính sách làm lại cuộc đời
- » Nâng cao chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn
- » Có vốn làm ăn, nhà nông Quảng Bình nhanh thoát nghèo