Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài cuối: Góp sức xây dựng nông thôn mới)
Gỡ các tiêu chí khó
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Cát nay có diện mạo khang trang, đời sống nhân dân ngày càng khá giả. 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và chính thức được công nhận huyện nông thôn mới vào cuối tháng 7/2022. Đây là thành quả của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện.
“Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các nguồn lực, trong đó, đào tạo đội ngũ nhân lực có tay nghề, có kỹ năng kết hợp với cho vay tín dụng ưu đãi là những yếu tố quan trọng hàng đầu…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận chia sẻ.
Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của huyện khá thấp. Năm 2011, nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới 40,6%; công nghiêp - xây dựng mới đạt 28,8% và dịch vụ - thương mại 30,6% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thu nhập bình quân đầu người ở mức 19,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 15,76%. Văn hóa xã hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 6,7 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 50,7 triệu đồng/người/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2011, tăng 31,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2011 (19,6 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2021 còn 2,88%, giảm 12,88% so với năm 2011 (15,76%). Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện tăng 12,3 tiêu chí/xã so với khi triển khai thực hiện chương trình.
Nguồn lực từ các chương trình tín dụng chính sách cũng đang nỗ lực giúp người dân xã Cát Hanh, huyện Phù Cát về đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Hiện nay, Cát Hanh đã đạt 10/13 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (3 tiêu chí chưa đạt gồm: tổ chức sản xuất, cảnh quan môi trường và an ninh trật tự). Đáng chú ý, những tiêu chí khó về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… Cát Hanh đã vượt qua. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,66%; người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 98,4%…
Thực tế triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ đắc lực trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định; làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn miền đất anh hùng.
Hơn 8.000 tỷ đồng cho vay xây dựng nông thôn mới
Tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Bình Định không chỉ hỗ trợ đắc lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh mà còn là nguồn lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến ngày 31/8/2022, doanh số cho vay các xã xây dựng nông thôn mới đạt 8.356 tỷ đồng, với hơn 280.000 lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ các xã xây dựng nông thôn mới đạt 3.935 tỷ đồng, với hơn 75.000 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 34,8 tỷ đồng/xã nông thôn mới.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng số lượng các đơn vị cấp xã, cấp huyện trên địa tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tổng số xã công nhận nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 83/113 xã, đạt tỷ lệ 73,45%, trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Cụ thể, đã có 285.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới được vay vốn, với số tiền đạt 7.317 tỷ đồng; hơn 30.000 lượt hộ DTTS được vay vốn, với số tiền đạt 918 tỷ đồng. Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nguồn vốn quan trọng với người nghèo, đồng bào DTTS để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đã giúp cho 116 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 81.000 lao động, hỗ trợ hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 107.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 202.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; gần 47.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn SXKD, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 808 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Những kết quả và con số cụ thể trên khẳng định, vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài 2: Xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất giỏi)
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài 1: Tạo mọi nguồn lực giúp dân thoát nghèo)
- » Những mầm xanh ở miền gió cát
- » Dấu ấn tín dụng chính sách vùng cao Than Uyên
- » Kịp thời tiếp sức vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Niềm vui trong những tổ ấm được xây từ nguồn vốn ưu đãi
- » Hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Sở Giao dịch NHCSXH
- » An cư lạc nghiệp nhờ vốn vay nhà ở xã hội
- » Giúp hộ nghèo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- » Thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách