Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài 2: Xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất giỏi)
Đổi thay vùng cao An Lão
Xã An Hòa, huyện An Lão có 255 hộ thì có tới 190 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Song, người dân xã đã mạnh dạn vay vốn và tận dụng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định. Như hộ vay Đinh Văn Na ở thôn 1, là cán bộ y tế xã nhưng cũng rất khó khăn. Anh Na tiếp cận với nguồn vốn hộ nghèo từ năm 2015 với 30 triệu đồng để nuôi trâu. Đến năm 2019, anh thoát nghèo và hiện đang dư nợ tại NHCSXH huyện An Lão 100 triệu đồng. Anh cũng sở hữu trong tay khối tài sản khá đáng nể, gồm đàn trâu 20 con, 1 homestay với 11 phòng nghỉ. Việc chăn nuôi và kinh doanh mang lại cho gia đình anh Na khoảng 100 triệu đồng/năm.
Cũng đổi đời nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Đinh Văn Kem - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 đã nhìn thấy cơ hội thoát nghèo từ đồng vốn quý báu đó. Ông Kem đã tình nguyện làm cánh tay nối dài chính sách, sẵn sàng chia sẻ, đi từng hộ vận động và kết nối bà con với nguồn vốn. Ông Kem cho biết, trong thôn có 61 hộ/81 hộ nghèo. Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực, dư nợ của toàn thôn đã đạt trên 3,3 tỷ đồng. “Chúng tôi đã có 6 - 7 hộ điển hình như anh Na và con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Đáng quý, trong thôn 1 đã có 3 cháu đỗ đại học - một thành công lớn của An Lão nói chung và An Hòa nói riêng”, ông Kem nhấn mạnh.
Không khác xã An Hòa, xã An Toàn cũng có hơn 74% là hộ nghèo. An Toàn lại nằm giữa rừng đặc dụng, không được trồng hay chặt bất cứ loại cây gì và người dân không có việc gì ngoài làm nương. Khoản thu nhập duy nhất là tiền bảo vệ rừng 3 triệu đồng/ha/năm, chia theo đầu người chỉ được vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Ở xã An Toàn còn rất nhiều hộ vô cùng khó khăn thiếu thốn. Hộ gia đình anh Đinh Văn Gôn là một ví dụ. Cả 2 vật dụng giá trị nhất trong nhà là chiếc tivi đời cũ và chiếc máy bơm nước đều hỏng nhưng anh Gôn cũng không có tiền sửa. Hai vợ chồng đều trẻ, khỏe nhưng làm nương xong là nghỉ. Cán bộ đến động viên, mang vốn đến cho vay song vợ chồng anh chưa vay đã sợ mất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong xã đã nhận ra, phải chịu khó làm ăn và cần vay vốn chính sách của Nhà nước, mua trâu bò nuôi để có thêm thu nhập.
Chủ tịch UBND xã An Toàn Đinh Văn Đang chia sẻ: Trước đây, trình độ, nhận thức của bà con thấp lắm; lại nhút nhát, không mạnh dạn và chưa quyết tâm thoát nghèo. Bởi thế, vận động và xây dựng được một số hộ thành công trong sản xuất chăn nuôi để tạo đà khuyến khích các hộ khác noi theo là câu chuyện không dễ. Song, thật đáng mừng 3 năm nay, cuộc sống bà con đã chuyển biến tích cực, không còn cảnh thiếu bữa và nhiều hộ đã mua được vật dụng đắt tiền.
Cần phối hợp giữa các cấp, ngành
Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay chính sách đã và đang tiếp sức cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở Bình Định phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học, xây công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch. Ngoài những đối tượng trên, từ ngày 19/5/2022, các hộ có mức sống trung bình được hưởng 2 chương trình tín dụng chính sách là vay vốn tín dụng đối với HSSV, với mức tối đa 4 triệu đồng/tháng và vay tối đa 10 triệu đồng để mua máy tính, thiết bị đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Nguyễn Mỹ Quang, giảm nghèo ở Bình Định vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là thực trạng cung không đủ cầu của vốn vay giải quyết việc làm. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm, sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho 5.800 lao động thông qua các dự án vay vốn. Qua tổng hợp kết quả rà soát của các địa phương, có khoảng 20.000 lao động đang có nhu cầu vay vốn.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Trần Quốc Quân cho biết: Nguồn vốn đã được bố trí bị thiếu hụt, theo quy định lại không thể điều chuyển vốn vay từ chương trình khác sang. Hiện, chi nhánh đã và đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi cùng một số chương trình khác do tỉnh ủy thác. Các chi nhánh và các Phòng giao dịch NHCSXH luôn sẵn sàng, tích cực phối hợp để thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; luôn muốn cho vay nhanh, hoàn thành sớm kế hoạch. Tuy nhiên, theo quy định, việc cho vay được hay không còn phụ thuộc vào nhiều bên liên quan.
Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức, thực hiện tốt chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách. Cụ thể, công tác điều tra, rà soát, thống kê, xác nhận đối tượng thụ hưởng; triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời; thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách.
Tính riêng từ năm 2019 đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đã cho 136.000 lượt khách hàng vay hơn 5.800 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã có mặt ở toàn bộ 159/159 xã, phường, thị trấn; 1.122/1.122 thôn, làng, khu phố trong toàn tỉnh; giúp hơn 23.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 33.000 lao động, gần 7.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, gần 1.000 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh…
Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài 1: Tạo mọi nguồn lực giúp dân thoát nghèo)
- » Những mầm xanh ở miền gió cát
- » Dấu ấn tín dụng chính sách vùng cao Than Uyên
- » Kịp thời tiếp sức vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Niềm vui trong những tổ ấm được xây từ nguồn vốn ưu đãi
- » Hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Sở Giao dịch NHCSXH
- » An cư lạc nghiệp nhờ vốn vay nhà ở xã hội
- » Giúp hộ nghèo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
- » Thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách
- » Hơn 63 nghìn hộ dân Ninh Thuận vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vốn vay ưu đãi