Từ hộ nghèo vươn lên trở thành tỷ phú
Những mô hình vay vốn hiệu quả
Gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Sửu và anh Lê Khắc Loan ở xóm Đông Thịnh, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Cuối tháng 4/2023, anh Loan đang dọn dẹp lại đồ đạc cho gọn gàng để chuẩn bị cho việc thi công sửa chữa, nâng cấp lại nhà. Anh Loan cho biết: Căn nhà bố mẹ để lại đã nhiều năm, nhiều bộ phận làm bằng gỗ đã bị mối mọt nhưng chưa có tiền sửa chữa. Nhờ chịu khó tích cóp nên năm nay anh sửa sang lại nhà trước khi mùa mưa tới.
Trước đây, ngoài mấy sào ruộng, gia đình anh Loan không có nguồn thu nhập nào khác. May nhờ được NHCSXH huyện Đô Lương cho vay 30 triệu đồng để mua 2 con bò, vợ chồng thay nhau chăm sóc để bò sinh sản. Nhờ đó, gia đình anh chị có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con cái ăn học, vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo. Được NHCSXH huyện tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo, anh Loan đã đầu tư mua thêm 3 con bò về chăn nuôi. Cùng với 2 con bò được sinh lời từ lần vay trước, gia đình anh đã nâng cao nguồn thu nhập, có vốn đầu tư trồng thêm cây, nuôi thêm gà, lợn. Sắp tới, dự tính sẽ mua thêm dê để chăn nuôi.
“Mỗi năm, bò sinh sản 1 - 2 lứa cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Khi con cái đã lớn, tốt nghiệp đại học, ra trường có công ăn việc làm, tôi mới có điều kiện tích trữ để sửa nhà. Nếu không có bệ đỡ từ NHCSXH, sự quan tâm của chính quyền, nhất là Hội Nông dân, không biết đến khi nào chúng tôi mới thoát được cảnh nghèo khó”, anh Loan tâm sự.
Không chỉ gia đình anh Loan, chị Sửu, mà nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Đô Lương cũng vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu nhờ tạo được hiệu quả sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Ví như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tám, chị Trần Thị Chuyên ở xóm Thuận Minh, xã Thuận Sơn.
Gia đình anh Tám trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Song chỉ chưa đầy 5 năm, từ hộ nghèo, vợ chồng anh Tám nay đã có cơ ngơi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm không chỉ từ nuôi bò sinh sản, mà còn có trang trại trồng rau củ quả và thêm nguồn thu từ dịch vụ hiếu hỉ như: phục vụ rạp cưới, thuê bát đĩa, thuê xe ô tô.
Dẫn chúng tôi ra trang trại trồng rau có quy mô hơn 20ha thuộc vùng bãi bồi sông Lam chảy qua địa phận xã Thuận Sơn, anh Tám cho biết: Với cách trồng mùa nào thức nấy, trang trại của anh Tám cung cấp rau, củ quả cho không chỉ nhu cầu dịch vụ cưới hỏi, mà còn cung cấp cho các chợ sỉ lẻ, tiểu thương trong và ngoài xã cũng như một số bếp ăn công nghiệp ở địa bàn lân cận. Với gần 1 tỷ đồng đầu tư trang trại trồng trọt, gồm thuê đất, mua máy cày, dựng hệ thống tưới nước, thuê thường xuyên 5 - 6 lao động, hàng năm các mùa bí, bầu, rồi ngô ngọt, mùa nào thức nấy đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
“Vay vốn NHCSXH huyện Đô Lương để mua 2 con bò, chăm cho chúng sinh sản rồi bán lấy tiền, gia đình thoát hộ nghèo, lại được vay số vốn nhiều hơn. Vợ chồng tôi trồng thêm rau, lúa, rồi tích cóp mua được chiếc xe ô tô chở dịch vụ tang lễ; đầu tư mua các vật dụng để làm dịch vụ cho thuê rạp cưới. Hai đứa con được ăn học đến nơi đến chốn nhờ nguồn vốn vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH. Nay, con đã tốt nghiệp ra trường, vợ chồng tôi cũng trả hết nợ ngân hàng”, chị Trần Thị Chuyên cho biết thêm.
Đến nay, sau hơn 4 năm tận dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh Tám không chỉ trả hết nợ, mà còn có một cơ ngơi đươc người dân địa phương gọi là “triệu phú nông dân” vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt kết hợp làm dịch vụ năng động, cho thu nhập ổn định.
Huy động tiết kiệm, bổ sung nguồn vốn cho vay
Về Đô Lương hôm nay không khó để tìm các mô hình vay vốn hiệu quả từ NHCSXH. Có thể kể đến các mô hình: Nguyễn Thị Tuyết xóm Văn Thọ, xã Hiến Sơn vay chương trình giải quyết việc làm 100 triệu đồng để mua 4 con hươu và sửa chuông trại; hiện hươu chuẩn bị cắt được nhung. Chị Trần Thị Lý ở xóm Thắng Lợi, xã Bồi Sơn vay chương trình hộ cận nghèo 100 triệu đồng để mua 2 con trâu sinh sản, phát triển kinh tế. Ngoài ra chị Lý cũng vay 20 triệu đồng từ chương trình NS&VSMTNT để xây dựng công trình vệ sinh nước sạch và giếng khoan sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Hay hộ anh Nguyễn Văn Tùng ở xóm Thái Trung, xã Minh Sơn vay chương trình hộ cận nghèo 50 triệu đồng để mua 2 con trâu, bò sinh sản, hiện đã có 5 con trâu bò.
Không chỉ vay vốn chăn nuôi, một số người trẻ ở Đô Lương đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả. Điển hình như mô hình anh Trần Văn Thế Đàn sinh năm 1985, ở xóm Đông Thịnh, xã Giang sơn Đông vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để mở ốt kinh doanh, sản xuất thắt lưng da tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng ở xóm Đông Thịnh, xã Giang Sơn Đông, gia đình ông Đặc Bá Tân vay vốn NHCSXH chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền là 263 triệu đồng, gia đình ông đã đủ điều kiện để 5 người con theo học các trường đại học trong Nam, ngoài Bắc. Hiện nay, cả 5 người con của ông Tân đều đã ra trường có việc làm, phụ giúp ông Tân trả hết nợ cho ngân hàng.
Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương Nguyễn Hữu Kỳ cho biết: Trong quý I/2023, Ban đại diện HĐQT tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao. Tranh thủ UBND huyện trích nguồn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH huyện để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 3,244 tỷ đồng, tăng 500 triệu đồng so với đầu năm. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 594 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 4,01%; tổng dư nợ đạt 593,685 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt gần 4%.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng dư nợ với quy mô tín dụng ngày càng tăng, các đơn vị ủy thác cấp huyện đã chỉ đạo các đơn vị ủy thác cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt gần 37 tỷ đồng, hoàn thành 143% kế hoạch cấp trên giao với 10.781 khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm, chiếm tỷ lệ gần 100% số khách hàng đang còn dư nợ.
Cùng với đó, huy động tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất thị trường thông qua các đơn vị ủy thác cấp huyện đến nay đạt 37,599 tỷ đồng, chiếm 43,39% so tổng số dư tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất thị trường. Nổi bật có Hội Phụ nữ huyện có số dư tăng trưởng lớn nhất với số tiền 1,187 tỷ đồng. Các xã có số dư tăng trưởng lớn so với đầu năm như Nam Sơn, Giang Sơn Đông, Quang Sơn, Bồi Sơn, Đại Sơn, Bắc Sơn.
Với nhiều giải pháp linh hoạt trong huy động vốn đã giúp tăng nguồn vốn để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đô Lương, giúp họ phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Thu Huyền
Các tin bài khác
- » “Trợ lực” để khôi phục và phát triển kinh tế ở Hà Nam
- » Giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- » Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên
- » Ninh Thuận phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Trao “cần câu” cho người nghèo ở Sa Thầy
- » Tín dụng chính sách mở lối thoát nghèo
- » Gian nan tìm kế mưu sinh
- » Giảm nghèo - bài toán phải có lời giải
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Đòn bẩy kinh tế nhà nước ở Phú Yên