Tín dụng chính sách ở An Giang

26/10/2020
(VBSP News) Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tỉnh An Giang đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; từng bước thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
an giang

NHCSXH tỉnh An Giang cho người nghèo vay vốn tại Điểm giao dịch xã

Ngay từ khi thành lập năm 2003, NHCSXH tỉnh An Giang triển khai 3 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 97 tỷ đồng, đến nay, đơn vị đã thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thị xã, thành phố ủy thác. Doanh số cho vay đạt 5.069 tỷ đồng, với 585.780 lượt hộ vay vốn, doanh số thu nợ đạt 5.170 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến nay đạt 3.336 tỷ đồng, với 150.511 khách hàng vay, tăng 3.143 tỷ đồng so thời điểm mới thành lập (gấp 16 lần).
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng ổn định và phát triển phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện… tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, động viên người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thành thị - nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Giai đoạn 2015 - 2019, vốn tín dụng chính sách đã giúp 58.118 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi SXKD; giúp 31.619 hộ thoát nghèo và 4.606 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm 7.458 lao động, trang trải chi phí xuất khẩu cho 305 lao động; trang trải chi phí học tập 35.488 HSSV có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề; giúp 1.795 hộ  xây dựng nhà ở; 42.497 hộ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình NS&VSMTN.
Hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được NHCSXH tỉnh triển khai đến 100% khóm, ấp tại 156/156 xã, phường, thị trấn; giúp các địa phương có thêm nguồn lực phát triển; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong phát triển sản xuất, giúp nhân dân bám đất, bám làng ở các vùng biên giới, vùng khó khăn, ổn định và nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu.
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển SXKD, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh có 31.619 hộ thoát nghèo và 4.606 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo thấp, chỉ có 16 hộ tái nghèo và 68 hộ tái cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,62%, hộ cận nghèo còn 5,45%.
Phương thức quản lý tín dụng chính sách ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội phát huy hiệu quả. Từ ủy thác 1 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, đến nay đã ủy thác 18 chương trình tín dụng chính sách qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 3.605 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% ấp, tổ dân phố; hình thành 156 Điểm giao dịch tại 156 xã, phường, thị trấn.
Có thể khẳng định, hoạt động của NHCSXH tỉnh An Giang không ngừng phát triển và ngày càng ổn định. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư thu nhập thấp. Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo thêm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.

Hạnh Châu

Các tin bài khác