NHCSXH cùng ngành Ngân hàng chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”

17/10/2020
(VBSP News) Ngày 17/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công An tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại Hòa Bình. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.
1

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công An đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”. Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về “tín dụng đen”, tổ chức nhiều Hội nghị bàn về các giải pháp nhăm mở rộng tín dụng, hạn chế “tín dụng đen”, phối hợp với các tổ chính chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân; Không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến thông qua việc: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; Ban hành mới các văn bản hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Triển khai cho vay tái cấp vốn để cho vay lãi suất 0% đối với người lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19; Điều chỉnh lộ trình áp dụng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn; Sửa đổi chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; Nâng mức cho vay; Chỉ đạo NHCSXH hoàn thiện phương án mở rộng thí điểm cho vay tiêu dùng; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, NHNN đang là đầu mối xây dựng Đề án Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Đề xuất triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Trình Chính phủ xây dựng 1 Nghị định thay thế Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg về phát triển hoạt động tài chính vi mô.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân tránh tín dụng đen, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, chuyên mục “Tư vấn tài chính”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” qua đó góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen - ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019.
Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.
Bên cạnh nguồn vốn các NHTM cho vay, NHCSXH đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ đến 30/9/2020 đạt 223.207 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2019 với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,71% tổng dư nợ.
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình tín dụng, cung cấp các dịch vụ ngân hàng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, ngành Ngân hàng cũng luôn quan tâm đến công tác xã hội.
Tham gia tham luận tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương cho biết thêm, bên cạnh các chương trình cho vay hiện nay của NHCSXH được Chính phủ giao, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHCSXH đã khảo sát tại một số địa phương, vùng miền chưa phát hiện được khách hàng nào hiện đang vay vốn của NHCSXH có vay vốn trực tiếp từ “tín dụng đen”. NHCSXH đang báo cáo NHNN Việt Nam và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” trong thời gian sớm nhất.

3

Các đại biểu dự Hội nghị

Về định hướng chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.
NHNN sẽ chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người dân một cách hiệu quả nhất. Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức. Song song với đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, để góp phần ngăn chặn, hạn chế “tín dụng đen”, bên cạnh các giải pháp ngành Ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.
Trước khi Hội nghị diễn ra, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú và Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Thành cũng đã đến thăm một số mô hình vay vốn chính sách hiệu quả tại xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi và trao tặng 300 suất quà cho hộ nghèo cho hộ nghèo, gia đình chính sách các xã thuộc huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi, mỗi huyện 150 suất quà.

4

PV

Các tin bài khác