Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

09/10/2020
(VBSP News) Cùng với các nguồn lực khác, nguồn vốn chính sách đã và đang hỗ trợ tích cực cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 18.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
cao bang

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở Cao Bằng ổn định cuộc sống

Thông qua phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để chuyển tải nguồn vốn của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 2.701 tỷ đồng, chiếm 99,81%/tổng dư nợ, tăng hơn 1.061 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,78%; doanh số cho vay đạt 3.661 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 129.160 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế; trong đó, số hộ nghèo, cận nghèo 79.319 lượt hộ, chiếm 61,4% với doanh số cho vay đạt 3.661 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 18.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 176.000 lao động; giúp trên 2.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 40.000 công trình NS&VSMTNT; trên 1.600 căn nhà ở cho hộ nghèo.
Gia đình ông Bùi Văn Dường ở xóm Khuổi Hoa đã vay 50 triệu đồng hộ nghèo đầu tư chăn nuôi gia súc. Sau khi được vay vốn, gia đình cũng đã được tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao KHKT chăn nuôi. Nhờ biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc luôn tăng trưởng tốt. Hiện, trong chuồng, gia đình chăn nuôi gần 10 con trâu sinh sản, mỗi năm bán 2 con để mua sắm phương tiện, đồ dùng cần thiết phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài chăn nuôi gia súc, gia đình còn đầu tư trồng rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia cầm. Đến nay, gia đình ông Dường đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Ông Bùi Văn Dường cho biết thêm: “Gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, vì vậy đã thoát nghèo. Nay cuộc sống gia đình khá ổn định. Vài năm nữa, rừng sản xuất cho khai thác chắc sẽ có thu nhập cao hơn. Về lâu dài, gia đình tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi tăng đàn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được với các chương trình tín dụng thuận lợi, nhanh chóng, giảm được thời gian và chi phí đi lại, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác việc cho vay thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, đã thực hiện công khai, dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các hợp đồng vay vốn. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tăng cường nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng.
Có thể nói, tín dụng chính sách được triển khai theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự giám sát của hệ thống chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân là một chủ trương đúng đắn và có hiệu quả. Người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển dịch vụ. Cùng với mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn, phương thức ủy thác cũng đã gắn kết giữa ngân hàng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Từ đó tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Bài và ảnh Hoàng Ngơi - Đức Thụ

Các tin bài khác