Tín dụng ưu đãi trao cơ hội đổi đời cho hộ nghèo
Đến hết tháng 9/2020, NHCSXH huyện Hoài Đức đã triển khai chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm với dư nợ đạt hơn 190 tỷ đồng, tăng gần 76 tỷ đồng so với đầu năm. Chúng tôi về huyện Hoài Đức vào những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy là không khí lao động hăng say, tất bật phục hồi sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ gia đình sau dịch Covid-19 đã tạo nên diện mạo mới cho vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Một trong những điển hình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách giải quyết việc làm và vươn lên thoát nghèo là gia đình bà Phạm Thị Thơm ở khu vực 7, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. Năm 2013, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo và được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng để thoát nghèo. Sau khi trả xong nợ cũ, năm 2019, gia đình bà được ngân hàng cho vay tiếp 40 triệu đồng để giải quyết việc làm cho bà và con trai. Với nguồn vốn này, gia đình bà đã đầu tư nguyên vật liệu để chăm sóc vườn bưởi, chăn nuôi lợn…
Năm vừa qua, gia đình bà thu hoạch bưởi bán được 90 triệu đồng, đàn lợn xuất chuồng được 133 triệu đồng, sau khi trừ chi phí gia đình bà Thơm lãi được 73 triệu đồng. “Nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng đã tạo cho tôi và con trai có công ăn việc làm, có đồng vốn để làm ăn, không phải đi làm thuê. Nhờ đó kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước”, bà Phạm Thị Thơm chia sẻ.
Cách nhà bà Thơm không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa cũng được NHCSXH hỗ trợ để mở rộng, sản xuất, kinh doanh bún gạo khô. Với nguồn vốn được vay là 40 triệu đồng để phát triển sản xuất, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông đã có thu nhập gần 700.000 đồng/ngày, giải quyết việc làm cho 3 lao động trong nhà. “Trước khi có nguồn vốn vay, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhưng có rủi ro, làm bún bền vững hơn, ngày nào cũng có lãi. NHCSXH rất tạo điều kiện cho bà con vay vốn dễ dàng. Nếu không có nguồn vốn vay, gia đình sẽ phải xoay xở bên ngoài với lãi suất cao hơn”, ông Nguyễn Văn Hòa nói.
Đây chỉ là 2 trong hàng nghìn hộ gia đình đã và đang vay chương trình tín dụng giải quyết việc làm hiệu quả tại huyện Hoài Đức theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
Để giúp người nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, NHCSXH huyện Hoài Đức đã tiết giảm chi phí, đồng thời tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách. Trong những năm qua, NHCSXH huyện Hoài Đức chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao kỹ năng và tính chuyên nghiệp của cán bộ ngân hàng huyện, hội, đoàn thể cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn các xã, thị trấn nhằm tăng năng suất lao động, góp phần rút ngắn thời gian giao dịch nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt các nhu cầu vay vốn, trả nợ, trả lãi, gửi tiết kiệm của người dân. NHCSXH huyện thực hiện công khai thông tin về chính sách tín dụng của Chính phủ, công khai danh sách hộ vay vốn, đảm bảo tính khách quan dân chủ, tạo điều kiện cho người dân kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tại cơ sở.
Ngoài ra, NHCSXH huyện cũng thường xuyên tham gia họp giao ban hàng tháng với hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Điểm giao dịch các xã, thị trấn để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ các chương trình cho vay của NHCSXH huyện Hoài Đức đạt trên 378 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%, hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Bài và ảnh Hương Giang
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Kiên Giang thực hiện hiệu quả cho vay đồng bào dân tộc thiểu số
- » Đồng Nai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách
- » Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo để thoát nghèo
- » “Cầu nối” đưa vốn tín dụng chính sách đến người dân
- » Hơn 3.500 hộ ở Cần Thơ được vay vốn làm du lịch sinh thái
- » Chính sách tín dụng góp phần tích cực giảm nghèo ở Bến Tre
- » “Trao cần câu” để thoát nghèo bền vững
- » Tín dụng chính sách cùng người nghèo Đà Bắc vượt khó
- » Đổi thay vùng ATK Sơn Dương