Tín dụng chính sách cùng người nghèo Đà Bắc vượt khó
Cùng cán bộ NHCSXH huyện, chúng tôi đến thăm một số hộ đang sử dụng vốn chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế ở xã Cao Sơn. Theo lãnh đạo UBND xã Cao Sơn, hiện xã có tổng dư nợ tín dụng chính sách hơn 35 tỷ đồng, với hàng trăm hộ dân vay vốn. Từ vốn chính sách đã giúp nhiều hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, từng bước có thu nhập ổn định, như gia đình ông Đặng Văn Hải, xóm Bai.
Trước đây, gia đình ông Hải được vay 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo. Năm 2017, gia đình ông tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo. Tận dụng điều kiện có 4ha đồi rừng, ông Hải đầu tư nuôi trâu sinh sản để phát triển kinh tế. Mấy năm trở lại đây, gia đình ông luôn duy trì nuôi 3 con trâu sinh sản, số tiền bán trâu từ trước đến nay đạt trên 100 triệu đồng đã giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, nuôi dạy được 2 người con học cao đẳng, đại học. Ông Hải chia sẻ: “Vay vốn của NHCSXH không cần phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh, lãi suất phù hợp với những hộ khó khăn. Nhờ có vốn chính sách mà gia đình tôi có điều kiện mua trâu giống về nuôi, từ đó thu nhập được nâng lên, đời sống cũng ngày một ổn định hơn”.
Ngoài gia đình ông Hải ở xóm Bai cũng có trên 40 hộ dân đang vay vốn của NHCSXH. Anh Triệu Văn Thắng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Bai cho biết: Hiện, tổ có dư nợ trên 1 tỷ đồng, đa số các hộ vay đều đầu tư nuôi trâu. Điều này đã giúp các hộ tận dụng được nguồn thức ăn từ trồng ngô, cũng như điều kiện về đồi rừng để chăn thả, nên trâu sinh trưởng, phát triển nhanh, có được nguồn thu nhập ổn định hơn.
Vay vốn để nuôi trâu là hướng đầu tư phổ biến của bà con ở xã Cao Sơn. Như ở xóm Tằm hầu như nhà nào cũng nuôi vài con trâu hoặc bò, với hình thức chủ yếu là chăn thả tại đồi rừng của gia đình.
Cách khu dân cư khoảng 1km, ông Bàn Văn Quý, xóm Tằm dẫn chúng tôi đến khu đồi sản xuất của gia đình. Ngoài một số diện tích đang trồng ngô, còn lại phần lớn diện tích đất đồi gia đình ông để làm bãi chăn thả trâu. “Trước đây, gia đình có 2 con trâu, năm ngoái được vay 30 triệu đồng vốn chính sách, gia đình mua thêm 1 con trâu sinh sản với giá 28 triệu đồng, trâu đã sinh được 1 con nghé. Với điều kiện có đất đồi rộng, sắp tới, chúng tôi tiếp tục làm đơn vay thêm vốn chính sách để tăng đàn trâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Quý chia sẻ.
Có thể nói, vốn chính sách đã giúp gia đình ông Quý, ông Hải và hàng nghìn hộ dân ở huyện vùng cao Đà Bắc có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế, khai thác được những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Bình Nam, đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 379,6 tỷ đồng, với trên 9.500 hộ dân còn dư nợ. Huyện có 17 Điểm giao dịch đặt tại các xã, thị trấn. Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, vốn chính sách đã được truyền tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của người dân. Qua kiểm tra, các hộ dân đều sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã có được những bước tiến vững chắc trong hành trình thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, xây dựng được trên 660 công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn; giúp cho các gia đình hộ nghèo xây dựng được 80 căn nhà.
Bài và ảnh Đinh Thắng
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Đổi thay vùng ATK Sơn Dương
- » Niềm vui bên những căn nhà mơ ước
- » NHCSXH triển khai ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại cho khách hàng
- » Cù lao Long Hựu “thay áo mới”
- » Mường Ảng phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách
- » Đổi thay ở Kon Rẫy
- » Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên vùng đất khó
- » Đảm bảo nguồn vốn ưu đãi cho HSSV
- » Chủ động hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho người lao động