Đổi thay vùng ATK Sơn Dương
Bí thư huyện ủy Sơn Dương Phùng Quang Đông cho biết: Địa phương đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các chương trình 134, 135 với chính sách hỗ trợ đất đai, giống cây con, vật tư nông nghiệp ở vùng DTTS; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn chính sách ưu đãi phát triển sản xuất. Riêng 7 tháng qua, NHCSXH huyện Sơn đã giúp cho 4.968 hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi trên 140 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng, nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện lên 611 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự là công cụ đắc lực góp phần làm cho bộ mặt nông thôn vùng chiến khu xưa đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện. Nhiều hộ nông dân ở Sơn Dương sử dụng đồng vốn ưu đãi chủ động SXKD, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn huyện còn 4.600 hộ, chiếm trên 9,2%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,7%/năm. Trong 5 năm qua, toàn huyện xây dựng được 650 mô hình trồng trọt, 219 mô hình chăn nuôi, 219 mô hình chăn nuôi, 64 mô hình lâm nghiệp, 42 làng nghề thủ công… tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con DTTS. Nguồn vốn ưu đãi còn đánh thức tiềm năng về giải quyết việc làm ở các vùng sâu, vùng xa, như ở Chiêm Hóa có 1.880 người đi lao động ở nước ngoài cùng hơn 6 nghìn người được tạo việc làm mới, thu nhập ổn định ở trong, ngoài huyện.
Theo phương châm “đánh nghèo” tại chỗ, NHCSXH huyện Sơn Dương luôn phối hợp chặt chẽ cùng các cấp ủy chính quyền cơ sở, hội, đoàn thể nhận ủy thác, phát huy ưu thế “cầu nối” của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng khắp thôn bản để chuyển tải kịp thời, đầy đủ nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng; hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chuyển đổi đúng hướng cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất nông sản thực phẩm hàng hóa.
Đặc biệt từ năm 2015, NHCSXH huyện đã làm tốt việc tham mưu cho huyện ủy, UBND ban hành văn bản triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, đồng thời thành lập ban chỉ đạo đổi mới công tác tín dụng chính sách từ huyện đến xã nhằm thống nhất phân bổ nguồn vốn kịp thời, công bằng, thu hồi số nợ quá hạn phát sinh.
Cùng với đó, chú trọng cải tiến đơn giản điều kiện, thủ tục hồ sơ vay vốn, kiện toàn củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới 21 Điểm giao dịch xã, hệ thống 522 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn bản, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách thuận lợi, kịp thời với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Đơn cử về xã Kháng Nhật là 01 trong 10 xã thực hiện tốt công tác giảm nghèo của huyện Sơn Dương. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Dần cho biết: Năm 2015, xã có trên 130 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,4%. Cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung đánh giá nguyên nhân và động viên nhân dân vay vốn, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi lồng ghép với tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi vào sản xuất, đến nay, xã giảm tỷ lệ còn 6,43%, hoàn thành chương trình xây dựng NTM trước thời hạn 1 năm.
Tiêu biểu gia đình anh Hoàng Văn Lang ở thôn Lẹm vượt khó thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi. Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh gặp khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn. Thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương, anh được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, lại được tham gia các buổi tập huấn trồng trọt, chăn nuôi do các hội, đoàn thể phối hợp tổ chức, nên cơ ngơi hiện của anh đã có 8 con bò, đàn gà 250 con, 2 mẫu chè sạch tuyết san, 3ha rừng keo xanh tốt, thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm.
Có thể thấy rằng, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân vùng ATK Sơn Dương cùng sự góp phần tích cực của NHCSXH đã và đang tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM. Thời gian tới, cùng các ban ngành, NHCSXH trên địa bàn tiếp tục đưa Chỉ thị số 40 vào thực tế đời sống sâu rộng hơn, tập trung huy động tăng trưởng nguồn vốn.
Đồng thời, duy trì hoạt động mạng lưới Điểm giao dịch ở các xã, củng cố chất lượng hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản, tăng cường cho vay thông qua các hội, đoàn thể, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu SXKD của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phục vụ đắc lực công tác giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi dân tộc Sơn Dương.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Tín dụng ưu đãi hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ
- » “Bà đỡ” cho thanh niên làm giàu
- » Vốn chính sách đồng hành cùng người dân Xuân Thủy phát triển kinh tế
- » Tối ưu hiệu quả vốn vay giúp hội viên làm giàu
- » Hiệu quả từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » “Quả ngọt” từ tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội
- » “Đòn bẩy” để thoát nghèo bền vững
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách