Tối ưu hiệu quả vốn vay giúp hội viên làm giàu

26/08/2020
(VBSP News) Nhiều hộ nghèo tỉnh Hải Dương đã có cơ hội đổi đời và phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để đầu tư nuôi cá và trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, ổi...
hai duong 1

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều nông dân nghèo Hải Dương đã đầu tư nuôi cá nước ngọt hiệu quả

Tối ưu hoá nguồn vốn vay
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.
Chị Tô Thị Chuyền ở thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính, huyện Kim Thành không nén nổi niềm vui nghẹn ngào khi chia sẻ sự đổi đời của gia đình mình từ “ánh sáng” Chỉ thị số 40-CT/TW. Dù đã từng tiếp cận với NHCSXH từ năm 2010, song chị cũng chỉ dám vay để cho con thứ hai nhập học cao đẳng với số tiền là 8,6 triệu đồng. Cuộc sống gia đình vẫn bộn bề nỗi lo cơm áo chỉ trông chờ vào hơn mẫu ruộng nuôi 3 đứa con ăn học.
Năm 2014 cùng với chủ trương của UBND lồng ghép tín dụng chính sách với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị đã được Hội Nông dân và Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, hướng dẫn vay vốn chương trình hộ nghèo của NHCSXH để chuyển đổi 5 sào ruộng năng suất thấp sang lập vườn trồng cây vải, nhãn, ổi với số tiền 19 triệu đồng.
Không chỉ tạo điều kiện vay vốn, chị Chuyền còn được cán bộ hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, vườn cây ăn quả của gia đình chị ngày càng cho năng suất. Đến giữa năm 2017, chị Chuyền đã trả hết số nợ vay ban đầu của cả chương trình HSSV và hộ nghèo. Tháng 5/2018, chị tiếp tục được địa phương quan tâm xét duyệt cho vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất hiện có.
Năm 2019, theo chủ trương của Nhà nước về nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng, gia đình chị Chuyền đã mạnh dạn chuyển đổi mục đích sang đào ao thả cá và tiếp tục đề nghị NHCSXH cho vay bổ sung vốn chương trình hộ cận nghèo là 50 triệu đồng.
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: Những năm qua, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định công tác giảm nghèo, xây dựng NTM là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng. Chỉ thị số 40 ra đời đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị số 40 đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Điều này có thể thấy rõ qua chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế từ cấp tỉnh đến xã đã lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn… Các Sở, ngành phối hợp với NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu ban hành chương trình, kế hoạch, chính sách trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tăng cường trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đăc biệt, một số địa phương đã mạnh dạn trong việc xây dựng kết nối tín dụng chính sách xã hội với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đã khiến chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Hải Dương đạt trên 3.338 tỷ đồng, tăng 993 tỷ đồng, với 91.223 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác