Đổi thay ở Kon Rẫy
Chúng tôi được cán bộ NHCSXH huyện Kon Rẫy đưa tới thăm gia đình anh A Trúc ở thôn 9, xã Đăk Ruồng - một trong những hộ gia đình đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Từ một hộ gia đình có hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhất nhì trong thôn, năm 2017, sau khi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kon Rẫy, A Trúc quyết định mua hai con bò giống về nuôi. Anh A Trúc cho biết, lúc đầu quyết định việc chăn nuôi bò bản thân rất lo lắng vì không có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhờ cán bộ chăn nuôi thú ý địa phương hướng dẫn tận tình nên bản thân anh dần tự tin hơn với quyết định của mình. Thuận lợi nữa là nguồn thức ăn cho bò lại dễ kiếm, tận dụng từ nhiều nguồn có sẵn như rơm, cỏ dại và các loại phế phẩm nông nghiệp khác nên cũng không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Nhờ đó, từ 2 con bò giống ban đầu, gia đình A Trúc dần dà gầy được đàn bò 5 con.
Anh A Trúc còn mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng từ các nguồn vốn ưu đãi chính sách khác để đầu tư cho sản xuất. Cuối năm 2019, qua tính toán thấy gia đình có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống nên anh A Trúc đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Tương tự, từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Văn Tuân ở thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã phát triển thành công mô hình trồng cây ăn quả xen trong vườn cà phê. Cụ thể, anh Tuân đã chuyển đổi hơn 3ha cây trồng kém hiệu quả trước đây sang trồng xen nhiều loại cây ăn trái (sầu riêng, chanh, cam, thanh long…) với cà phê.
Anh Tuân cho biết, đầu năm 2017, tôi vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng gần 1.000 cây cà phê. Đầu năm 2018, nhận thấy tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng nơi đây thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn trái, tôi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kon Rẫy để trồng xen 200 cây ăn trái trong vườn cà phê. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến nay, diện tích cà phê đã gần cho thu hoạch, còn cây ăn trái đã bắt đầu cho thu bói.
Trong những năm qua, NHCSXH huyện Kon Rẫy tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn với NHCSXH; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong 5 năm qua (2015 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện bình quân hàng năm giảm 5% - 6%, số hộ thoát nghèo bình quân mỗi năm trên 300 hộ.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay thuộc 14 chương trình tín dụng chính sách toàn huyện Kon Rẫy đạt trên 250 tỷ đồng với gần 12.000 lượt vay vốn (trong đó doanh số thu nợ đạt 180 tỷ đồng). Riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay đạt 53,2 tỷ đồng với gần 1.300 lượt vay vốn (doanh số thu nợ đạt 28,8 tỷ đồng). Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cho vay NS&VSMTNT; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn…
Bên cạnh đó, những năm qua, NHCSXH huyện Kon Rẫy còn thực hiện giải ngân vốn từ nhiều nguồn để thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 100 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng hơn 3.000 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn…
Giám đốc NHCSXH huyện Kon Rẫy Nguyễn Bá Phương cho biết: Trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ bám sát mục tiêu giảm nghèo của huyện, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng tín dụng để bảo toàn và phát triển các nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Rẫy.
Bài và ảnh Hoàng Thanh
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Đổi thay vùng ATK Sơn Dương
- » Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên vùng đất khó
- » Đảm bảo nguồn vốn ưu đãi cho HSSV
- » Chủ động hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho người lao động
- » Đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo bền vững
- » Đồng hành hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS
- » Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên vùng đất khó
- » Tạo đà đẩy vùng đất chè Thái Nguyên giảm nghèo nhanh, bền vững
- » Tín dụng ưu đãi hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ