Đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo bền vững

07/09/2020
(VBSP News) Sau 5 năm thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, nguồn vốn của NHCSXH đã giúp hàng chục ngàn hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Yên có cơ hội tiếp tục phát triển SXKD, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng vốn ưu đãi tiếp sức hộ mới thoát nghèo tỉnh Phú Yên mở rộng SXKD

Đồng vốn ưu đãi tiếp sức hộ mới thoát nghèo tỉnh Phú Yên mở rộng SXKD

Có của ta mới ra của mình

Theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thời hạn cho vay chương trình này sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình, cùng với các địa phương khác trong cả nước, vừa qua, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét cho phép tiếp tục triển khai chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo sau năm 2020 để đối tượng này có vốn làm ăn, tránh tình trạng tái nghèo.

Tháng 6 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hoa ở thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa được NHCSXH giải ngân 50 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo. Với số tiền này, gia đình bà sửa lại chuồng trại và mua 3 con trâu về nuôi. “Trâu có đặc điểm là sức đề kháng cao, dễ chăm sóc, giá cả ổn định nên thuận lợi cho người nuôi. Trước đây, cũng nhờ NHCSXH cho vay vốn, gia đình tôi đầu tư nuôi “đầu cơ nghiệp” và từng bước thoát nghèo”, bà Hoa cho biết.

Tại huyện Đồng Xuân có hộ ông Võ Trọng Thanh ở thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 vay vốn hộ mới thoát nghèo từ năm 2019. Với 80 triệu đồng vay của NHCSXH, ông Thanh mua 4 con bò về nuôi, đến nay bò đã đẻ ra 4 bê con. “Tôi sẽ nuôi con bê thêm vài tháng nữa cho cứng cáp rồi bán bớt lấy tiền trả một phần vốn cho ngân hàng. Hy vọng từ nay đến khi hết hạn vay, bò đẻ thêm lứa nữa, chúng tôi sẽ có lời”, ông Thanh tâm sự.

Gia đình ông Thanh là hộ vay của NHCSXH từ năm 2012, khi còn thuộc diện nghèo. Vay vốn nuôi bò, rồi bò đẻ thêm bê, gia đình ông Thanh bắt đầu có dư. Thoát nghèo, gia đình ông được vay vốn hộ cận nghèo, rồi vốn hộ mới thoát nghèo. Có năm không may bò bị bệnh chết, nhờ ngân hàng cho khoanh nợ, ông Thanh vẫn có điều kiện tiếp tục sản xuất.

Kinh tế của người dân nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào ruộng vườn, bò nghé. Nếu chẳng may bò bị dịch bệnh, công sức chăm sóc cả năm trời đổ sông đổ biển. Hay như trồng sắn, trồng keo, gặp lúc sắn bị bệnh, thị trường xuống giá hoặc thời tiết không thuận lợi thì người dân có nguy cơ mất trắng. “Khi đó, đồng vốn của NHCSXH được giải ngân kịp thời rất có ý nghĩa, giúp người dân có thêm động lực để tiếp tục làm ăn. “Có của ta mới ra của mình”, nếu Nhà nước không tiếp tục cho vay, chúng tôi sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là những khi dịch bệnh, mất mùa hoặc gặp lúc thiên tai”, ông Thanh chia sẻ thêm.

Không riêng hộ ông Thanh, bà Hoa, từ năm 2015 đến nay, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã giải ngân gần 874 tỷ đồng cho gần 29.000 lượt hộ vay vốn, chiếm 25% tổng doanh số cho vay toàn tỉnh. Dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đến nay là 528 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ, với 16.920 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, mặc dù đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong số các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh nhưng nợ quá hạn của chương trình này chỉ có 450 triệu đồng, tỉ lệ 0,08%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ nợ quá hạn bình quân các chương trình tín dụng chính sách ở Phú Yên.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết: Chất lượng tín dụng nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo cho thấy NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chương trình, theo dõi nguồn vốn tín dụng chính sách với những giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay.

Kiến nghị tiếp tục cho vay

Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được NHCSXH tỉnh Phú Yên triển khai từ năm 2015 theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Từ đó đến nay, nguồn vốn chương trình này tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng miền núi khó khăn, nhằm giúp hộ mới thoát nghèo có điều kiện tiếp tục phát triển SXKD, tạo việc làm, ổn định thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhờ nguồn vốn này, người dân từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Đối với các trường hợp vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan hàng năm như: thiên tai, dịch bệnh…, NHCSXH tỉnh Phú Yên thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro kịp thời, đúng quy định. Đồng thời cho vay bổ sung, tạo điều kiện để người vay có vốn tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.

Qua 5 năm triển khai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế vẫn nảy sinh một số hạn chế. Cụ thể, tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ thời gian để các hộ thoát nghèo bền vững. Thời hạn cho vay tối đa 5 năm chưa đủ với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của hộ vay khi đến hạn. Số hộ mới thoát nghèo qua các năm 2017, 2018, 2019 đến nay chưa được vay vốn tín dụng chính sách còn hơn 5.000 hộ. Nếu chương trình kết thúc ngày 31/12/2020 thì số hộ này chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn từ các NHTM để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống, nguy cơ dẫn đến tái nghèo rất cao…

Trước tình hình nói trên, cùng với các địa phương trong cả nước, mới đây, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo sau năm 2020 để hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên cho biết: Thực tế tại địa phương cho thấy cần tiếp tục cho vay đến khi nào những hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện tiếp cận vốn từ các NHTM, mở rộng sản xuất nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng tái nghèo. Chính phủ và các bộ ngành cũng nên xem xét cho phép nâng thời hạn cho vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của một số loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như cây ăn quả, cây công nghiệp, gia súc nuôi lấy sữa… Đồng thời mở rộng cho vay đối với người lao động là thành viên của hộ mới thoát nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bài và ảnh Lê Hảo

Các tin bài khác