“Trao cần câu” để thoát nghèo bền vững
Vì thiếu vốn sản xuất nên nhiều năm qua, thu nhập của gia đình anh Đặng Văn Sồi, thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chỉ trông chờ mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của xã và thôn, năm 2018, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ba Chẽ để đầu tư mô hình trồng ổi. Đến nay, anh đã có trên 3ha trồng ổi mang lại thu nhập 30 - 40 triệu đồng/vụ. Gia đình anh đã thoát nghèo bền vững.
Anh Sồi cho biết: “Đối với những hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn như chúng tôi, vốn vay chính sách là động lực lớn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, các hộ dân từ việc phát triển những mô hình nhỏ sẽ mạnh dạn phát triển mô hình lớn hơn“.
Trong giai đoạn 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “cần câu“ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 36.078 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho trên 36.000 lao động có thu nhập ổn định; 611 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; 1.188 căn nhà cho hộ nghèo được xây mới…
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm bố trí ngân sách ủy thác cho NHCSXH tỉnh Quảng Ninh để thực hiện cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng chính sách. Đồng thời, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 3.226 tỷ đồng, tăng 1.959 tỷ đồng so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Đặc biệt, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 372,1 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng nguồn vốn, tăng 317,2 tỷ đồng so với năm 2015.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng bố trí nguồn vốn kịp thời để giải ngân hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… Cụ thể, nhằm hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19, tháng 7/2020, UBND tỉnh đã phân bổ 60 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH tỉnh Quảng Ninh để cho vay giải quyết việc làm từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020. Ngân hàng đã nhanh chóng hoàn thành giải ngân cho 835 hộ vay với tổng số tiền là 40 tỷ đồng trong 1 tháng. Nguồn vốn này thực sự là cứu cánh cho người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt được thời gian qua là kết quả của sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Để nguồn vốn này tiếp tục là đòn bẩy cho các đối tượng chính sách thời gian tới, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất các cấp, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện một số chương trình khi hết thời hạn quy định, nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với một số chương trình tín dụng, mở rộng đối tượng vay vốn. Đồng thời, bố trí vốn cho vay giải quyết việc làm, bổ sung cơ chế chi phụ cấp cho trưởng thôn, khu, chỉ đạo chính quyền địa phương ở cơ sở nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quá trình thực hiện góp phần giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh Cao Quỳnh
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách cùng người nghèo Đà Bắc vượt khó
- » Đổi thay vùng ATK Sơn Dương
- » Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ NHCSXH TW lần thứ 4, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- » Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách
- » Tọa đàm giáo dục tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác qua điện thoại di động
- » NHCSXH TP Cần Thơ tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ năm 2020
- » Công đoàn NHCSXH sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IV
- » Khơi dậy tiềm năng nông nghiệp ở Sơn La
- » Ia H’Drai phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách