Tọa đàm giáo dục tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác qua điện thoại di động
Tham dự toạ đàm có đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ chức Oxfam, Công ty tư vấn công nghệ Teso, các nhà nghiên cứu khoa học đến từ: Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân cùng thành viên Ban quản lý thực hiện sáng kiến, Ban phát triển sản phẩm và lãnh đạo các đơn vị tại trụ sở chính.
Việc triển khai sáng kiến “Nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động” là một giải pháp sáng tạo nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thông tin về tài chính số, thông tin đào tạo về sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại. Trong đó, ứng dụng cung cấp cho khách hàng một số bài học liên quan đến sản phẩm ngân hàng dành cho khách hàng, kỹ năng về quản lý tiền, chi tiêu, dự toán ngân sách gia đình, tiết kiệm và vay tiền cũng như các dịch vụ hiện đại từ đó khách hàng nâng cao được kiến thức của mình liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và tài chính.
Trong thời gian qua, dự án đã tiến hành nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến là nội dung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thử nghiệm và đánh giá được phối hợp giữa NHCSXH với chuyên gia của Oxfam và Công ty tư vấn phần mềm Teso tại 3 tỉnh là Hải Dương, Thanh Hoá và Quảng Ngãi. Sau khi khảo sát và thử nghiệm ứng dụng đối với khách hàng của NHCSXH. NHCSXH, nhà tài trợ đã hoàn thiện ứng dụng về giáo dục tài chính trên điện thoại di động dành cho cả 2 hệ điều hành Androi và iOS với tên gọi “Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính” (viết tắt là NHCSXH-GDTC).
Ứng dụng đã được NHCSXH phổ biến đến các khách hàng biết và sử dụng. Và đây là ứng dụng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng liên quan đến giáo dục tài chính cho người nghèo.
Là khách hàng đã trải nghiệm ứng dụng về giáo dục tài chính trên điện thoại di động, chị Nguyễn Thị Thư - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Hà Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: Từ khi có ứng dụng này giúp tôi và nhiều thành viên khác trong thôn hiểu được cách tính toán, thu chi, biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ, tiền gửi tiết kiệm. Qua đó, tạo điều kiện cho chúng tôi từng bước tạo lập nguồn vốn tự có để vươn lên làm giàu.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín (Hà Nội) Nguyễn Thị Kiều Chinh cho biết, đây là ứng dụng dễ cài đặt, nội dung truyền tải rất hữu ích. Đặc biệt, ứng dụng cung cấp cho khách hàng kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp các chị em biết cách tính toán khoản vay, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Đại diện tổ chức Oxfam Lê Kim Thái, thông tin, mục đích của dự án là nhằm giúp các khách hàng của NHCSXH nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, giúp tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Công ty công nghệ Teso Nguyễn Hữu Ân, cho biết: Công nghệ giúp giáo dục tài chính có tính lan truyền cao hơn so với các phương thức truyền thống, giúp người tổ chức giáo dục tài chính nắm được hành vi, đo lường được kết quả của hoạt động chính xác và hiệu quả hơn. Các công cụ cho phép phân tích hành vi và tương tác với người dùng rất tiện lợi.
Tại buổi tọa đàm, ngoài các bài tham luận đến từ NHCSXH, tổ chức Oxfarm và khách hàng NHCSXH còn có nhiều ý kiến đóng góp về tính năng và giải pháp triển khai hiệu quả của các diễn giả đến từ các Trường đại học. Các đại biểu cũng đã thảo luận theo hình thức hỏi đáp, giao lưu với các đại biểu tham dự; thảo luận về định hướng, cơ hội và khuyến nghị, giáo dục tài chính là cầu nối với dịch vụ tài chính cho người nghèo.
Đa số các đại biểu tham dự đều đánh giá việc áp dụng App giáo dục tài chính đối với khách hàng của NHCSXH sáng tạo, có tính thiết thực cao giúp đưa được kiến thức tài chính đến với khách hàng.
PV
Các tin bài khác
- » Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách cùng người nghèo Đà Bắc vượt khó
- » Đổi thay vùng ATK Sơn Dương
- » NHCSXH TP Cần Thơ tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ năm 2020
- » Công đoàn NHCSXH sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IV
- » Khơi dậy tiềm năng nông nghiệp ở Sơn La
- » Ia H’Drai phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách
- » Hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Hiệu quả từ chương trình tín dụng HSSV
- » “Đòn bẩy” giúp đối tượng chính sách vươn lên