Khẳng định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

12/10/2020
(VBSP News) Những năm qua, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy trực thuộc đã triển khai hiệu quả công tác dân vận, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước, phát huy quyền làm chủ, giải quyết nguyện vọng chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên và người lao động.

Đặc biệt, từ thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động vận dụng sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”,  triển khai có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; đồng thời  thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, qua đó khẳng định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

sơn la

Một phiên giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La)

Điểm sáng “Dân vận khéo”
Phong trào “Dân vận khéo” được các các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị thuộc Đảng bộ Khối các Doanh nghiệp Trung ương triển khai mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực, xuất hiện nhiều tập thể làm tốt phong trào “Dân vận khéo”.
Sau 18 năm hoạt động, NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đạt được kết quả nêu trên, Phó Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương - Phó Tổng Giám đốc Bùi Quang Vinh cho biết, toàn ngành tập trung bám sát Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác dân vận, đặc biệt vận dụng linh hoạt phong trào “Dân vận khéo” góp phần thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. “Mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận, vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”; lấy phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” làm tôn chỉ hoạt động”, Phó Bí thư Đảng ủy Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Đáp ứng nguyện vọng của người dân, NHCSXH cung cấp sản phẩm dịch vụ theo hướng “Dân chủ công khai, dịch vụ tại nhà, giải ngân tại xã” với 63 chi nhánh tỉnh, thành phố; 625 Phòng giao dịch cấp huyện, trên 10.400 Điểm giao dịch cấp xã, gần 174 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, mô hình “Điểm giao dịch cấp xã” ra đời nhằm đưa nguồn vốn đến gần dân; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; tạo mối liên hệ gần gũi, thân thiện, có trách nhiệm giữa cán bộ và nhân dân. Mô hình cũng phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc giám sát hoạt động ủy thác, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cùng vớiNHCSXH, các ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã luôn tiên phong, chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai các chương trình trọng điểm, chia sẻ khó khăn với khách hàng nhất là những lúc khó khăn như: giảm lãi suất, tiên phong cho vay thu mua lúa gạo, hỗ trợ người chăn nuôi, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67-NĐ/CP…
Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, hướng tới cộng đồng, tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo. Điển hình, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp xây dựng Đề án Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ của Chính phủ với thông tin, hình ảnh gần 900.000 mộ liệt sĩ tại 3.000 nghĩa trang trong cả nước. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã và đang tài trợ hơn 2.300 tỷ đồng cho nhiều công trình an sinh xã hội như xây dựng trên 13.500 căn nhà ở cho người nghèo, 130 công trình cầu, đường giao thông nông thôn, 79 trạm y tế, 247 trường học, tặng 70 xe ô tô cứu thương chất lượng cao…
Trong đợt chống dịch COVID-19, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện đưa công dân Việt Nam về nước, chuyên chở khách quốc tế và hàng cứu trợ của Việt Nam tới các nước; Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất kịp thời tăng sản lượng, cung cấp khẩu trang, hóa chất phục vụ chống dịch bệnh…. Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông miễn phí cước cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế, phối hợp với Bộ Y tế và Cục Viễn thông nhắn tin tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19… Cùng với đó, Các doanh nghiệp trong Khối đã hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho các cây ATM gạo, tặng hàng nghìn suất quà hỗ trợ nhân dân có hoàn cảnh khó khăn… Các doanh nghiệp trong Khối tích cực tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền là 68,8 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế và các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội
Không chỉ có vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt giữ các cân đối lớn của nền kinh tế đất nước, các doanh nghiệp trong Khối còn thực hiện đầu tư công trình ở vùng sâu, vùng xa, góp phần hỗ trợ Nhà nước điều hành, thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm tốt trách nhiệm xã hội, tích cực hưởng ứng, tổ chức hoạt động dân vận, tham gia thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Các bác sĩ, nhân viên y tế - đoàn viên thanh niên của Bệnh viện Bưu điện, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 lượt người dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; quyên góp, hỗ trợ máy tính, bàn ghế và sách cho trẻ em địa phương…
Tại Hà Giang, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị đã tích cực hỗ trợ 6 huyện nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhiều đơn vị đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Nhờ đó, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn miền núi ngày một khởi sắc hơn.
Làm tốt trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào vùng lũ, gần đây nhất là “Quỹ phòng, chống dịch COVID-19” hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy Khối đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy thực hiện các chương trình an sinh xã hội, Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với tổng kinh phí hỗ trợ 9.374 tỷ đồng (trong đó: hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội 8.710 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30 a của Chính phủ 663 tỷ đồng). Các nội dung, chương trình an sinh xã hội được thực hiện phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đúng đối tượng, đúng mục đích, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và phát huy tối đa hiệu quả. Việc hỗ trợ xây dựng đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, mạng lưới viễn thông, hệ thống thủy lợi nội đồng,… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương khó khăn, biên giới, hải đảo và cải thiện đời sống nhân dân. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương đã hỗ trợ: xây mới, cải tạo 17.272 nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết; trên 300 trường học, phòng học, nhà bán trú, gần 300 bệnh viện, trung tâm y tế và trên 200 công trình hạ tầng giao thông thủy lợi, hệ thống lưới điện, nhà văn hóa, hạ tầng viễn thông; xây dựng các công trình tại Trường Sa như nhà văn hóa tại Đá Lớn C, Cô Lin, Tốc Tan C, hệ thống điện mặt trời… . Các doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội tổng cộng trên 503 tỷ đồng.
Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, hiệu quả
Đánh giá cao đóng góp của hệ thống dân vận và đội ngũ người làm công tác dân vận của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré cho biết, công tác dân vận của Đảng ủy Khối đã được triển khai sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ ở các cấp ủy, tổ chức Đảng doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực lao động, sản xuất, kinh doanh góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và các nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, đạo đức, lối sống; phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Để công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động; đổi mới công tác tuyên truyền, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, sáng tạo, hiệu quả; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Trong thời gian tới, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đơn vị trong Khối sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng mô hình, điển hình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dân vận; quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, có cơ chế, chính sách động viên người làm công tác dân vận, đoàn thể.
Công tác dân vận tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, linh hoạt. Cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác dân vận được đổi mới theo hướng thiết thực, tạo điều kiện để người lao động tham gia giám sát, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp; Phát huy quyền làm chủ của người lao động; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp  tăng cường trách nhiệm của phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội mở rộng các kênh đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động, chỉ đạo giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị, vướng mắc của người lao động từ cơ sở, góp phần hạn chế tranh chấp lao động, không để xảy ra điểm nóng, các vụ việc đình công, lãn công, không để đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, phức tạp; có các giải pháp thiết thực trong việc chăm lo đời sống, việc làm, lợi ích của người lao động. Các doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan, đơn vị tích cực tham gia công tác an sinh xã hội; nghiên cứu, hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển.

Diệp Trương

Các tin bài khác