Thái Bình thúc đẩy tư duy sản xuất, kinh doanh mới
Sức sống mới trên miền quê lúa
Tân Lập hôm nay đã trở thành làng quê trù phú với những ngôi nhà khang trang thấp thoáng sau những vườn cây cảnh xanh mướt, những con đường làng bê tông sáng láng len lỏi đến từng ngõ xóm. Đây là thành quả của sự đổi mới trong tư duy sản xuất, canh tác của người dân nơi đây cùng với nguồn vốn chính sách.
Với đặc thù là xã có diện tích đất nông nghiệp ít, chỉ chiếm trên 50ha, hiệu quả trồng lúa không cao, những năm gần đây, người dân xã ưu tiên tập trung phát triển cây màu, những cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình chuyển đổi cây trồng sang nghề trồng hoa, cây cảnh, trồng rau cần, nấm mang lại thu nhập cao gấp 2 - 3 lần cấy lúa.
Chủ tịch UBND xã Tân Tập Trần Văn Tâm cho biết: Những năm qua, cùng với định hướng phát triển kinh tế địa phương, nhiều bà con trong xã đã chuyển đổi sản xuất kinh doanh sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai đến kịp thời đã giúp bà con có việc làm, nâng cao thu nhập thực hiện mục tiêu ly nông mà không ly hương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Như gia đình chị Phạm Thi Nga ở thôn Bổng Điền Nam. Sau nhiều năm đi làm kinh tế trong Gia Lai, xa con cái, để được đoàn tụ gia đình, 5 năm trước, chị đã trở về quê lập nghiệp với 3 sào ruộng của gia đình cùng mua thêm đất để vừa xây nhà, vừa mở cơ sở sản xuất nấm. Chị kể, những ngày đầu khó khăn lắm. Có chút vốn liếng đầu tư hết vào nhà trồng nấm. Thế nên việc NHCSXH huyện Vũ Thư cho vay 90 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm đã giúp chị có nguồn để mua nguyên liệu duy trì và phát triển cơ sở sản xuất nấm.
Đến nay, mỗi ngày, cơ sở của chị bán ra khoảng 1 tạ nấm, tạo việc làm cho 7 lao động; trong đó có 4 lao động làm việc thường xuyên tại xưởng với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Chị cũng đã đầu tư được máy lạnh và tủ lạnh để trữ nấm. Làm nấm so với trước trồng rừng vất vả hơn nhưng thu nhập ổn định. Mỗi năm trừ chi phí, chị Nga cũng dành dụm được 300 triệu đồng.
Hay như với làng dệt Phương La ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà là một làng điển hình về đất chật người đông. Bình quân, diện tích canh tác mỗi người có chừng 250m². Nếu chỉ chuyên tâm vào nông nghiệp thì chưa chắc đã giảm nghèo. Thời kỳ đổi mới những người dân làng dệt Phương La đã khôi phục nghề truyền thống, những khung cửi thủ công đã được thay bằng máy móc công nghiệp, năng suất sản lượng được cải thiện, nâng cao hơn. Ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn Phương La 4 cho biết: Nếu chỉ trông vào nguyên liệu mà Công ty bao tiêu sản phẩm cung cấp thì không đủ cho sản xuất. Được NHCSXH huyện Hưng Hà cho vay 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm đã giúp gia đình ông có vốn đối ứng cùng công ty mua thêm nguyên vật liệu dệt. Tuy nguồn vốn 50 triệu đồng không nhiều song với ông Khánh rất quý vì có thể mua được 2 tấn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong một tháng.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH, trong những năm qua, ông Khánh đã tích lũy và mua thêm máy móc phục vụ dệt, đến nay, gia đình đã có 5 máy dệt, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình cùng 5 lao động tại địa phương mới mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ có ông Khánh, nhiều hộ dân trong làng dệt Phương La cũng đã và đang được vay vốn từ NHCSXH huyện Vũ Thư để tạo việc làm cho gia đình mở rộng sản xuất, vươn lên khá giả. Nghề dệt Phương La đang có thêm điều kiện phát triển rực rỡ khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp hình thành và đứng vững trên thị trường đưa hàng hóa xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Tập trung vốn cho giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Bình, những năm qua, chi nhánh đã tập trung đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng chính sách. Như năm 2023, bên cạnh nguồn vốn Trung ương cấp và huy động, chi nhánh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW, Kết luận số 06-KL/TW, đặc biệt là việc tăng nguồn vốn ủy thác địa phương cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2023, nguồn vốn uỷ thác đầu tư tại địa phương đạt 101.533 triệu đồng, tăng 22.503 triệu đồng so với 31/12/2022, đạt 112,51% kế hoạch giao tăng năm 2023.
Đây là tiền đề để năm 2023, chi nhánh cung ứng vốn cho 100% các đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong năm 2023, chi nhánh đã hỗ trợ cho 29.216 lượt khách hàng được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 1.065.653 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại chi nhánh đạt 4.268.051 triệu đồng, tăng 13,55%, so với cuối năm 2023, với 97.382 khách hàng đang còn dự nợ. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt 630.768 triệu đồng, với 12.518 khách hàng còn dư nợ, thu hút thêm 6.097 lao động có thu nhập ổn định.
Các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện tốt chương trình, mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giảm tín dụng đen ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Theo kết quả sơ bộ, tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh có 12.292 hộ nghèo, tỷ lệ 1,87%, giảm 0,27% so với năm 2022; 13.099 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2%, giảm 0,26% so với năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 1 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 10 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó phấn đấu có từ 3 xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trong thời gian tới, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Bình Tạ Tiến Khẩn cho biết: Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Đồng thời, tiếp tục tham mưu trình đề nghị HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thành phố dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác đầu tư thông qua NHCSXH để bổ sụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2024 trong 6 tháng đầu năm.
Chi nhánh sẽ thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện đôn đốc, thu hồi kịp thời các khoản nợ đến hạn, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, kết hợp với nguồn vốn tăng trưởng trong năm để nâng suất đầu tư cho vay bình quân trên hộ, không để tồn đọng nguồn vốn, gây lãng phí. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tất cả mọi người dân biết, từ đó có thể chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng được nhanh chóng, kịp thời, giúp người nghèo và đối tượng chính sách đón các cơ hội mở rộng sản xuất, tọa việc làm gia tăng thu nhập và chất lượng sống.
Bài và ảnh Minh Nguyễn - Hữu Trung
Các tin bài khác
- » Vùng đồng bào DTTS đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách: Điểm tựa của niềm tin
- » “Quả ngọt” từ nguồn vốn nhân văn
- » Có vốn nuôi bò, trồng keo, nông dân nghèo Bình Định nhanh khá
- » Nông dân Hòa Vang đổi đời từ nguồn vốn chính sách
- » Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Thoát khó khăn, vững kinh tế nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Đồng hành với nông dân giảm nghèo
- » Ổn định cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi
- » Góp phần phát triển các sản phẩm OCOP