Thoát khó khăn, vững kinh tế nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

19/03/2024
(VBSP News) Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đã giúp hội viên nông dân ở TP Cần Thơ vươn lên thoát nghèo, kinh tế vững vàng. Nguồn vốn tín dụng chính sách vừa góp phần hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vừa chung tay xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh của thành phố.
131135-nong-dan-can-tho-su-dung-hieu-qua-nguon-von-tin-dung-chinh-sach

Bà Đồng Thị Lệ Thủ nhận số tiền giải ngân từ cán bộ NHCSXH quận Bình Thủy

Gần 10 năm qua, bà Đồng Thị Lệ Thủ ở khu vực 2, phường Trà Nóc đã nhiều lần tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH. Ban đầu, khi tiếp cận nguồn vốn, bà Thủ chỉ là người bán hàng rong, thuộc diện hộ nghèo. Nhờ số vốn được vay ưu đãi 40 triệu đồng, bà đầu tư sắm xe hàng, chăm chỉ buôn bán, chi tiêu tiết kiệm để đến năm 2019 thoát nghèo.
Nhận thấy bà Thủ làm ăn hiệu quả, cộng với nhu cầu vay nên năm 2024, Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực 2 xét cho bà được tiếp tục vay với số vốn tăng lên 70 triệu đồng. Nhận số tiền giải ngân được cán bộ NHCSXH quận Bình Thủy trao tại Điểm giao dịch phường Trà Nóc, bà Thủ cho biết: “Từ số vốn này, tôi tính mở thêm một số mặt hàng buôn bán khác. Trước đây, tôi vay theo diện hộ nghèo, vay cho con đi học đại học, giờ vay theo diện giải quyết việc làm. Nhờ nguồn vốn này, tôi mới dám đầu tư thêm để buôn bán, phát triển kinh tế”.
Là nông dân hơn 20 năm, anh Trần Văn Xê ở khu vực Bình Trung, phường Long Hòa có 2.000m² đất trồng hoa tết và vạn thọ bán hàng tháng. Vợ chồng anh Xê đã 3 lần tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã 10 năm. Từ số vốn 9 triệu đồng ban đầu hiện anh Xê đang vay vốn NHCSXH chương trình giải quyết việc làm với số tiền 35 triệu đồng. Nhờ có đồng vốn với lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài, anh Xê đầu tư dàn trồng hoa bằng sắt thép kiên cố thay cho những dàn trồng bằng tre. Từ đó, không chỉ trồng hoa Tết, anh Xê còn trồng 1.500 chậu hoa vạn thọ bán quanh năm.
Anh Xê là một trong những nông dân vay vốn biết tính toán làm ăn, sử dụng hiệu quả đồng vốn nên chưa khi nào để nợ quá hạn. Theo anh Xê, mỗi đợt bán hoa sẽ gửi tiết kiệm, trả lãi. Từ đó, trả dần gốc lãi nên rất thoải mái khi vay. Nhờ đó, chưa đủ thời gian đáo hạn 5 năm, anh Xê đã trả gần hết tiền gốc vay.
Hội Nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy hiện quản lý 592 hộ vay vốn, với dư nợ đạt 26,73 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các hội viên sử dụng cải tạo vườn, trồng các loại cây ăn trái, chăn nuôi, buôn bán nhỏ,… Hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và trả lãi kịp thời nên Hội Nông dân phường Long Hòa là đơn vị nhận ủy thác nguồn vốn vay không có tỷ lệ nợ quá hạn.
Chính các “cánh tay nối dài” là những Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt vai trò, trách nhiệm cầu nối giữa NHCSXH với người cần vay vốn đã góp phần vào kết quả chung của NHCSXH quận Bình Thủy - đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất ở Cần Thơ.
Để đạt được kết quả này, theo Giám đốc NHCSXH quận Bình Thủy Nguyễn Mạnh Hùng, đơn vị đã tham mưu cho UBND quận ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

can tho2

Nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy phát triển kinh tế nhờ sử dụng đồng vốn vay hiệu quả

Thời gian qua, để hỗ trợ nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng, thuận tiện, chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ đã phối hợp với Hội Nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tín dụng chính sách. Mỗi phường, xã được bố trí một Điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã khiến hoạt động tín dụng chính sách xã hội là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống.
Đến nay, toàn thành phố có trên 36.500 hội viên nông dân đã tiếp cận 17 chương trình tín dụng của chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ với tổng dư nợ đạt trên 1.455 tỷ đồng (chiếm 35,4% dư nợ nhận ủy thác từ các hội đoàn thể thành phố). Trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chiếm nhiều nhất với gần 558 tỷ đồng, chương trình cho vay NS&VSMTNT đạt trên 306 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo gần 254 tỷ đồng, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên 175 tỷ đồng…
Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo đánh giá: Hội Nông dân các quận, huyện đều thực hiện tốt công tác ủy thác với NHCSXH với tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,14%. Các đơn vị như: Hội Nông dân quận Bình Thủy có thể xem không có nợ quá hạn; quận Cái Răng, huyện Thới Lai, huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh là các đơn vị có tỷ lệ nợ quán hạn thấp nhất trong hệ thống Hội Nông dân.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho gần 109.032 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, có hội viên nông dân thành phố được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ Trần Thị Thiên Thư, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các cấp Hội Nông dân thành phố thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang là cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch.

Thu Hiền/TTXVN

Các tin bài khác