Vốn chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển sản xuất

08/03/2024
(VBSP News) Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các nguồn vốn chính sách, nhiều phụ nữ vùng biển tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nâng cao đời sống. Các cơ sở sản xuất, chế biến do phụ nữ làm chủ ngày càng mọc lên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
phu-nu-ha-tinh-0802024-02

Cán bộ NHCSXH thị xã Kỳ Anh làm thủ tục cho người dân vay vốn tại Điểm giao dịch xã

Cơ sở chế biến sứa để xuất khẩu của bà Trương Thị Nhị ở thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2007. Khi mới thành lập, do không có nhiều vốn đầu tư nhà xưởng nên cơ sở chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Sau đó, để có thêm nguồn vốn đầu tư, bà đã tham gia làm thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ, huyện Kỳ Anh. Nhờ đó, bà đã được hỗ trợ nguồn vốn vay 300 triệu đồng.
Bà Trương Thị Nhị chia sẻ, nếu không được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ tín dụng thì bà phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao. Khi đó, lợi nhuận cũng không đủ để thanh toán tiền lãi. Hiện nay, khi có nhu cầu vay vốn bà luôn được Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ hỗ trợ.
Việc giải ngân cũng nhanh chóng, kịp thời, giúp bà thuận lợi trong việc thanh toán các khoản tiền cho chủ tàu thuyền đánh bắt sứa cũng như trả lương cho lao động. Nhờ có nguồn vốn ổn định đã giúp việc kinh doanh của bà thuận lợi. Hiện nay, cơ sở của bà chế biến từ 20 - 30 tấn sứa mỗi ngày, giải quyết việc làm ổn định cho 7 lao động với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ hiện có gần 4.000 thành viên, với tổng nguồn vốn huy động trên 341 tỷ đồng, dư nợ trên 321 tỷ đồng. Thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Bà Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ cho biết, quỹ có rất nhiều giải pháp để người dân tiếp cận được các nguồn vốn, chính sách ưu đãi. Hàng tháng hội đồng quản trị đều ban hành các nghị quyết để giao cho ban điều hành và cán bộ, nhân viên bám sát địa bàn, nắm bắt khách hàng kịp thời. Khách hàng có nhu cầu vay vốn được giải ngân nhanh, kịp thời. Nếu các thành viên khi có nhu cầu vay vốn, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thì sẽ được giải ngân ngay trong ngày. Hiện nay, quỹ có trên 70% phụ nữ đứng chủ vay vốn để sản xuất và đến nay không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Còn tại thị xã Kỳ Anh, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư vào các cơ sở sản xuất nước mắm. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.
Bà Đặng Thị Luận ở thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh là một trong 2.000 phụ nữ trên địa bàn được vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH thị xã Kỳ Anh. Với số tiền vay 100 triệu đồng, bà Luận đã mua bể chứa, xây dựng thêm nhà xưởng chế biến nước mắm đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, cơ sở chế biến nước mắm của bà Luận giải quyết việc làm ổn định cho 8 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng, xuất bán ra thị trường mỗi năm khoảng 800.000 lít nước mắm các loại.
Bà Luận cho biết, việc vay vốn từ NHCSXH đã giúp bà có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cấp thiết bị, thu mua nguyên liệu. Bà Luận mong muốn trong tương lai, cơ sở của bà sẽ được mở rộng hơn nữa, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và góp phần vào việc tiêu thụ nguồn thủy hải sản của ngư dân địa phương.

phu-nu-ha-tinh-0802024-04

Cơ sở sản xuất nước mắm của bà Đặng Thị Luận ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh phát triển từ nguồn vốn vay vốn ưu đãi

Hiện nay, NHCSXH thị xã Kỳ Anh có hơn 7.000 khách hàng, ủy thác cho 25 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã với 178 Tổ tiết kiệm và vay vốn; trong đó, Hội Phụ nữ được ủy thác cho 8 xã, phường với 51 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho vay gần 2.200 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 143 tỷ đồng.
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thành Đô cho biết: Đơn vị đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách cho phụ nữ trên địa bàn. Nguồn vốn được ưu tiên, chú trọng cho các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm của chị em. Cùng với việc cho vay vốn, đơn vị còn phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn cho các hội viên hội phụ nữ sử dụng vốn có hiệu quả. Các cán bộ của đơn vị còn hướng dẫn, tư vấn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã phối kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cũng như các chính quyền địa phương các cấp triển khai cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn. Đến nay, có 18 chương trình được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh với dư nợ trên 7.100 tỷ đồng và 103.000 khách hàng thụ hưởng; trong đó, số dư nợ thông qua các cấp Hội Phụ nữ là hơn 2.100 tỷ đổng.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Tiến Thức cho biết: Chi nhánh sẽ tiếp tục tăng cường, phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp để tiếp tục rà soát và hỗ trợ cho các mô hình mà do chị em làm chủ; trong đó, chú trọng ưu tiên nguồn vốn để giải quyết việc làm, các mô hình khởi nghiệp, mô hình kinh tế mới. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp cho nguồn vốn chính sách được sử dụng hiệu quả.

Bài và ảnh Hữu Quyết/TTXVN

Các tin bài khác