“Cầu nối” giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế
“Cánh tay nối dài” dẫn vốn đến phụ nữ nghèo
Những ngày cuối tháng 2/2024, chúng tôi có mặt tại buổi giao dịch tại Điểm giao dịch xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan trong lúc các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đang giao dịch với cán bộ NHCSXH. Bà Nông Thị Lạng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bó Cáng, xã Tú Xuyên cho biết: “Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý. Thời gian qua, để chị em phụ nữ trong thôn được vay vốn ưu đãi kịp thời, tôi thường xuyên tuyên truyền các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng, hướng dẫn các hộ lập hồ sơ vay vốn đầu tư phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất. Nhờ đó, hiện tổ có dư nợ trên 3 tỷ đồng với 50 hộ hội viên vay vốn để trồng, chăm sóc rừng hồi”.
Đối với chị Nguyễn Thị Huyên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Giáp Thượng, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, những năm qua, chị luôn kịp thời truyền tải các chương trình vay vốn đến hội viên phụ nữ trong thôn một cách chính xác và nhanh nhất. Chị Huyên chi sẻ: “Hằng tháng, tôi tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt chú trọng tới khâu bình xét vay vốn, sử dụng vốn, đôn đốc, nhắc nhở hộ vay thực hiện đúng cam kết với NHCSXH. Nhờ đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn luôn có tỷ lệ trả lãi đạt 100%, trả nợ đúng hạn 99%”.
Không chỉ Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị Huyên, bà Lạng, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn luôn phối hợp chặt chẽ với chi nhánh NHCSXH tỉnh làm tốt công tác ủy thác cho vay để các hội viên phụ nữ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế.
Để nguồn vốn được truyền tải đến đúng đối tượng, đến nay, Hội đã thành lập 713 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 24.438 hộ hội viên vay vốn, tổng dư nợ cho vủy thác đạt trên 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã giúp cho các hội viên phát triển các mô hình như: trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…
Là một trong những hộ hội viên phụ nữ tiêu biểu vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, chị Hoàng Thị Nguyệt ở thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, có hướng phát triển kinh tế nhưng lại thiếu vốn để sản xuất. Năm 2016, được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn hướng dẫn vay vốn của NHCSXH với lãi suất ưu đãi, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín, trang bị đầy đủ hệ thống làm mát, phun sương tự động và xây dựng hầm bioga. Nhờ vậy, chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, trong chuồng nuôi của gia đình luôn duy trì khoảng 50 con. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 2 lứa lợn, đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống từng bước cải thiện”.
Tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Tổ gồm tối đa 60 tổ viên, trong đó, Tổ trưởng là người điều hành hoạt động của tổ, có năng lực, khả năng ghi chép, sổ sách và thực hiện công tác bình xét cho vay, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi… của các tổ viên. Hằng tháng, các Tổ trưởng đôn đốc, đến nhà các hộ vay để thu lãi, đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, những khó khăn để kịp thời báo cáo với ngân hàng có biện pháp khắc phục.
Nâng cao chất lượng cho vay qua tổ
Việc phối hợp cho vay qua Tổ tiết kiệm và vay vốn giữa NHCSXH và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn ưu đãi và dịch vụ tiện ích của ngân hàng. Để nâng cao chất lượng hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho các thành viên Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tổ chức hội về nghiệp vụ quản lý vốn vay. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với NHCSXH tổ chức 45 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho 1.242 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ Hội.
Ngoài ra, Hội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cụ thể, từ năm 2023 đến nay, Hội đã tiến hành kiểm tra 100% huyện, thành phố, kiểm tra 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 55 lượt hộ vay vốn; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở kiểm tra được 676 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 12.361 hộ vay vốn. Qua kiểm tra cho thấy các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phan Anh Thắng cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, chi nhánh đã chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện hằng tháng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cơ sở rà soát các tổ như: trình độ, tuổi tác, năng lực của các tổ trưởng; số thành viên của tổ… để củng cố, kiện toàn. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên báo cáo những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời nắm bắt và xử lý. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (chiếm 0,05% dư nợ ủy thác); chất lượng hoạt động các tổ ngày một nâng cao, tổ xếp hạng tốt luôn chiếm trên 96,8%.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vũ Thị Huyền Trang cho biết: Thời gian tới, bên cạnh triển khai hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm theo quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và gửi tiết kiệm tại NHCSXH; chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về quản lý vốn tín dụng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác theo quy định, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn…
Có thể thấy, thời gian qua, các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn quản lý đã phát huy vai trò, hiệu quả trong việc đưa vốn ưu đãi đến các hội viên phụ nữ nghèo. Thông qua đó, nguồn vốn đến tay người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, “tiếp sức” kịp thời cho nhiều hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2023, Hội đã giúp 415 hộ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo (vượt chỉ tiêu 3,7%). Hiện nay, Hội có trên 200 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao.
Hiểu Lam - Mai Linh
Các tin bài khác
- » Tạo đà nâng cao năng lực cán bộ nữ
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi ở Quảng Trị
- » Hiệu quả của tín dụng ưu đãi ở vùng ven đô
- » Vươn lên từ nguồn vốn chính sách
- » Hà Quảng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách
- » Hành trình về nguồn của các Đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng Nông thôn mới
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là động lực quan trọng trong phát triển
- » Tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế (Bài cuối: Vì mục tiêu hạnh phúc, phồn vinh)
- » Tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế (Bài 1: Phục hưng nghề truyền thống)