Hà Quảng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách

05/03/2024
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH huyện Hà Quảng (Hà Giang) tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
116358_phong_giao_dich_ngan_hang_chinh_sach_xa_hoi_huyen_ha_quang_giao_dich_tai_cac_xa_thi_tran_tao_dieu_kien_cho_nguoi_dan_tiep_can_nguon_von_vay_tin_dung_u_18445101

NHCSXH huyện Hà Quảng giao dịch tại các Điểm giao dịch xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH huyện đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Dân tộc xây dựng kế hoạch vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay đối với các xã xây dựng Nông thôn mới tập trung đầu tư vốn thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo, môi trường. Tham mưu UBND huyện triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện và kiểm tra giám sát đối với các chương trình tín dụng chính sách phục vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia.
NHCSXH huyện thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc sử dụng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện đạt trên  592 tỷ đồng, tăng hơn 90 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt  trên 515 tỷ đồng, tăng hơn 70 tỷ đồng so với năm 2022; nguồn vốn huy động các tổ chức, cá nhân đạt trên 34 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch tăng trưởng giao; tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2022, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng giao; nguồn vốn ngân sách địa phương đạt trên 31 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với năm 2022, hoàn thành 197% kế hoạch tăng trưởng giao. Nguồn vốn ủy thác từ địa phương cùng với nguồn vốn Trung ương tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt qua đói nghèo, thay đổi cuộc sống để không ai bị bỏ lại phía sau.
NHCSXH huyện Hà Quảng đã thực hiện tốt giải ngân các nguồn vốn tín dụng chính sách cho người dân trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 590,9 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt 150 tỷ đồng; dự nợ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 331 tỷ đồng; dư nợ các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21 tỷ đồng, chiếm 3,5%/tổng dư nợ với 484 khách hàng dư nợ.
Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH huyện đã giải ngân 186 tỷ đồng cho 3.500 khách hàng vay vốn. Từ nguồn vốn tín dụng giúp cho các hộ gia đình có vốn  đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho 825 lao động, hỗ trợ chi phí cho 25 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, xây dựng trên 200 ngôi nhà cho hộ nghèo, giúp trên 500 hộ thoát nghèo…
Gia đình anh Đàm Văn Quý ở xã Ngọc Đào là một trong những hộ được vay vốn hỗ trợ từ NHCSXH, anh xây dựng mô hình trồng dưa trong nhà màng với diện tích hơn 1.000m² để trồng 1.700 gốc dưa lưới, dưa vàng, dưa sữa bạch kim. Anh Quý chia sẻ: Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, đến nay, mô hình trồng dưa của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình 1 quả dưa đạt trọng lượng từ 1 - 2 kg, bán ra thị trường từ 45 - 50 nghìn đồng/kg. Hiện nay, dưa của gia đình là nguồn hoa quả thực phẩm sạch được các cửa hàng thực phẩm, siêu thị trên địa bàn tỉnh tiêu thụ, tin dùng.
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc cải thiện, nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân của huyện tăng lên 24,05 triệu đồng/người/năm (tăng 1,95 triệu đồng so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 - 6%/năm. Qua rà soát, đánh giá thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 12 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 5 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 2 xã đạt 15 - 19 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 9,5 tiêu chí/xã.

Ngọc Dung

Các tin bài khác