Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là động lực quan trọng trong phát triển
Tại buổi làm việc, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Văn Tài đã báo cáo tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2003 - 2023. Theo đó, 21 năm qua, chi nhánh đã tích cực tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng hệ thống tổ chức mạng lưới sâu rộng, mang tính xã hội hóa cao. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đến nay, 2.200 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động khắp địa bàn tỉnh, trực thuộc sự quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp.
Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày hết năm 2023 đạt 5.243 tỷ đồng, tăng 5.009 tỷ đồng, gấp 22,5 lần so với khi mới thành lập. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao từ khi mới thành lập năm 2003 (hộ nghèo, giải quyết việc làm, HSSV có hoàn cảnh khó khăn) với tổng dư nợ là 233 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho vay 28 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay đạt 15.313 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 10.147 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 86.334 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ (chiếm trên 33% số hộ trong toàn tỉnh), dư nợ bình quân trên 60 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là 5.235 tỷ đồng, chiếm 99,9% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách.
Đặc biệt, trong năm 2022 - 2023, chi nhánh thực hiện cho vay 3.443 tỷ đồng với 63.362 lượt hộ vay vốn, tổng dư nợ tăng 1.550 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ. Trong đó, riêng 2 năm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, doanh số cho vay đạt 1.057 tỷ đồng với 9.921 khách hàng vay vốn; tổng dự nợ đạt 1.055 tỷ đồng (trong tổng số 38.400 tỷ đồng toàn quốc), hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng. Cùng với triển khai 5 chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chi nhánh đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với chương trình tín dụng có lãi suất vay vốn trên 6%/năm cho 46.064 món vay, số tiền giản ngân trên 2.200 tỷ đồng với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 43,2 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách, lao động, HSSV… vượt qua khó khăn, từng bước giảm nghèo, duy trì hoạt động, việc làm và học tập. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần tích cực trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, UBND tỉnh, huyện cũng đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, tác động tích cực đến đời sống, sản xuất hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật và nỗ lực của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, các tổ chức, đơn vị liên quan trong hơn 21 năm qua. Đồng thời, khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo động lực quan trọng cho phát triển, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, “phủ sóng” đến nhiều đối tượng, tạo sự ổn định, đồng thuận cao trong xã hội.
Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ giao và các chương trình tín dụng ủy thác của địa phương, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình mới.
Đối với các đề xuất, kiến nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và có các ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với NHCSXH cũng như các Sở, ngành liên quan cùng phối hợp để tháo gỡ trong thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngọc Mai
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế (Bài cuối: Vì mục tiêu hạnh phúc, phồn vinh)
- » Tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế (Bài 1: Phục hưng nghề truyền thống)
- » Tín dụng chính sách tiếp sức cho HSSV khó khăn được đến trường
- » Ứng dụng ngân hàng số trong vay vốn chính sách
- » Từ ngày 30/3/2024, bãi bỏ chính sách tín dụng cho vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp đổi thay vùng đồng bào DTTS
- » Ninh Thuận phát huy hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện công tác giảm nghèo
- » Lan toả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Bạc Liêu hỗ trợ người nghèo vươn lên
- » Quyết sách chiến lược trúng, đúng và hợp lòng dân