Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ vốn cho người nghèo sản xuất, kinh doanh

25/01/2024
(VBSP News) Đây là khẳng định của Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tại Hội nghị giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội năm 2023.
1

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị

Chiều 25/01, NHCSXH tổ chức Hội nghị giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với các tổ chức chính trị - xã hội năm 2023, bao gồm: Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo, đến hết năm 2023 tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 331.924 tỷ đồng, tăng 48.576 tỷ đồng (+17%) so với năm 2022. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 330.129 tỷ đồng, chiếm 99,46% tổng dư nợ, tăng 48.505 tỷ đồng so với năm 2022 với 168.385 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
Năm 2023 NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; trả nợ các khoản vay đến hạn… Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và đạt kết quả. Bên cạnh đó, không ngừng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; đồng thời, thực hiện tốt việc đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động; theo đó, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,19% tổng dư nợ uỷ thác.
Trong năm 2023 đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tín dụng chính sách cũng đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 794 nghìn lao động; giúp hơn 8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 97 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 4 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.382 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 15 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách;… Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Thảo luận tại Hội nghị, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã thông tin những kết quả đạt được trong công tác phối hợp với NHCSXH năm 2023 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

2

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương thảo luận tại Hội nghị

Là tổ chức chính trị - xã hội có dư nợ ủy thác vốn tín dụng chính sách cao nhất, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương bày tỏ đồng tình và ấn tượng với những kết quả của hoạt động trong năm 2023 mà NHCSXH là nòng cốt, phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đã rất chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách; tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình tăng trưởng tín dụng của cả ngành Ngân hàng rất khó khăn.
Phó Chủ tịch Trần Lan Phương cho biết: Về phía Hội LHPN Việt Nam trong năm 2023 tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo việc triển khai thực hiện hoạt động ủy thác được hiệu quả, thiết thực. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chị em phụ nữ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thông tin nhanh về các hoạt động triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và 2 Đề án của Chính phủ về hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ; Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn trong những năm qua, đời sống của chị em phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều chị em ở các khu công nghiệp bị mất việc làm… Nguồn vốn vay của NHCSXH, nhất là chương trình giải quyết việc làm, giúp cho chị em từng bước vượt qua được khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình.
Nêu ra thực trạng hiện nay tại nhiều địa phương, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn được giao cho cán bộ cấp xã, hoặc cán bộ nghỉ hưu, là người cao tuổi. Trong khi đó, không ít Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ đang có xu hướng được trẻ hóa, có năng lực, có khả năng tiếp cận công nghệ, lại chưa được làm Tổ trưởng. Theo đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị các địa phương đẩy mạnh tham mưu với cấp ủy, chính quyền chấn chỉnh công tác lựa chọn Tổ trưởng có đủ năng lực, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời đề nghị NHCSXH có chỉ đạo, cùng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt việc lựa chọn Tổ trưởng đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trần Lan Phương cũng đề xuất: Các chi nhánh NHCSXH phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội LHPN các tỉnh, thành, huyện tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền; tăng cường hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho các hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có hội viên phụ nữ.
Đồng thời đề nghị NHCSXH có chỉ đạo các chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phối hợp với Hội LHPN cùng cấp xây dựng các đề án tham mưu cho HĐND, UBND các tỉnh, thành trong việc bố trí nguồn vốn với đối tượng thụ hưởng thuộc 2 đề án Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ quản.
Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu, báo cáo sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về Luật tín dụng chính sách xã hội.
Còn Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho biết, trong năm 2023 Trung ương Hội đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác vốn vay.
Năm qua, Hội CCB các cấp đã tổ chức tập huấn lồng ghép công tác giảm nghèo và vay vốn tín dụng chính sách tại 8 tỉnh với tổng số hội viên được tập huấn là 1.600 người. Phối hợp với NHCSXH các cấp tổ chức 2.212 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn cho 62.657 cán bộ hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và hội viên.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách năm 2024, Hội CCB đề nghị NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức sử dụng tín dụng chính sách hiệu quả; đồng thời tổ chức kiểm tra giám sát các chuyên đề về tín dụng chính sách xã hội có trọng tâm, trọng điểm.

4

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Về phía Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong năm 2023 cũng đã phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác vốn vay, thực hiện theo đúng các nội dung đã ký với NHCSXH; các hộ vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Tại Điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng và các quy trình thủ tục vay vốn của NHCSXH được niêm yết công khai. Bên cạnh đó, các tổ chức nhận ủy thác đã đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động tập huấn, chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người vay sử dụng hiệu quả vốn vay với các hoạt động hội và phong trào tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, năm 2024 các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác thể hiện quyết tâm cao trong việc phối hợp chặt chẽ thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phấn đấu cùng NHCSXH hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động uỷ thác. Tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền bố trí đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

3

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với NHCSXH tham mưu Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác trên địa bàn với định hướng khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đều tham gia hoạt động ủy thác nhằm phát huy tiềm năng, tạo động lực thi đua giữa các đơn vị. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội cấp dưới.

PV

Các tin bài khác