“Quả ngọt” từ nguồn vốn nhân văn

22/03/2024
(VBSP News) Sau một thời gian triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã cho “quả ngọt”, tạo điều kiện giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội.
anh1

NHCSXH tổ chức giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích

Tạo sinh kế cho người hoàn lương
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT) được ban hành vào tháng 8/2023. Đây là lần đầu tiên có một cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho NCHXAPT được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là NCHXAPT. Chỉ sau thời gian ngắn chính sách đi vào cuộc sống đã phát huy giá trị và ý nghĩa nhân văn.
Điểm mới của quyết định này hướng tới 2 đối tượng đó chính là NCHXAPT và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những điểm mới mà Chính sách mang lại. Ngoài đối tượng là NCHXAPT, thì cơ sở sản xuất kinh doanh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sử dụng lao động (cụ thể là 10% trở lên) là NCHXAPT. Chính sách này nhằm khuyến khích, hỗ trợ, xóa bỏ những mặc cảm, tâm lý e ngại cho doanh nghiệp khi tiếp nhận người lao động là NCHXAPT vào làm tại doanh nghiệp.
Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Thạch Thất đến thăm gia đình anh Đỗ Ngọc Hiền cư trú tại xã Phùng Xá (Thạch Thất) vào một ngày đầu Xuân. Theo chia sẻ của anh Hiền, anh đã có một thời tuổi trẻ nông nổi, bồng bột nên phạm tội và phải đi cải tạo. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về làm lại cuộc đời, may mắn được gia đình và chính quyền địa phương giúp đỡ. Đặc biệt, anh đã được Công an xã Phùng Xá và NHCSXH huyện Thạch Thất tạo điều kiện cho vay số vốn 100 triệu đồng trong 3 năm. Sẵn có nghề cơ khí học được từ trước, với nguồn vốn này, anh đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc, nguyên liệu để sản xuất, gia công cơ khí. “Tôi quyết tâm làm lại cuộc đời để cho bố mẹ, gia đình nội ngoại không còn phiền muộn về mình nữa” – anh Hiền bộc bạch.
Là một trong những người đầu tiên được thụ hưởng chính sách này, anh Nguyễn Khắc Hoàng, huyện Ba Vì phấn khởi vì mô hình sản xuất của gia đình anh đã “kết trái ngọt. “Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tôi được Công an, Hội Phụ nữ xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn và được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, tôi đã đầu tư vào chăn nuôi lợn, trồng cây mai cảnh và các loại cây ăn quả. Nguồn vốn này thực sự có ý nghĩa với tôi trong lúc chênh vênh”, anh Hoàng chia sẻ.
Hay như hộ gia đình chị Phạm Thị Thơ  xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa có chồng là anh Hoàng Thanh Tùng người vừa chấp hành xong án phạt tù đã được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ứng Hòa cho vay 50 triệu đồng. Chị Phạm Thị Thơ chia sẻ, trước đây kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chồng lại vướng vào ma tuý, sau 6 năm cải tạo đã được ra tù. Vì vậy, khoản vốn vay từ NHCSXH cho NCHXAPT chính là “phao cứu sinh”, tạo sinh kế cho cả gia đình. Từ số tiền này, gia đình sẽ đầu tư mua cá giống để phát triển trang trại, chăn nuôi vịt đẻ và cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách, chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố tham mưu UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương và công an cơ sở rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn đối với NCHXAPT trên địa bàn và tham mưu UBND TP phân bổ nguồn vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã.
Từ tháng 10/2023 đến nay, chi nhánh đã phối hợp với Công an Thành phố, Chính quyền địa phương, các Tổ chức Chính trị xã hội và các cơ quan liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, rà soát nhu cầu vay vốn và hướng dẫn thủ tục hồ sơ vay vốn. Đến 20/3/2024, chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đã giải ngân được 4,760 tỉ đồng chương trình cho vay NCHXAPT trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 56 đối tượng NCHXAPT có cơ hội làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Cũng theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội, để đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với chính quyền, công an các địa phương, ban, ngành, đoàn thể rà soát đối tượng vay đảm bảo minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, thực hiện các quy định, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để NCHXAPT và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Song song, tổ chức giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Trong suốt quá trình sử dụng vốn vay, các đối tượng vay vốn vẫn luôn có sự đồng hành của các ban, ngành tại địa phương để nguồn vốn vay luôn phát huy giá trị và hiệu quả. Từ đó lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách này.
Việc ban hành chính sách tín dụng đối với NCHXAPT là thực hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, giúp NCHXAPT được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để làm ăn, tạo việc làm có thu nhập, ổn định cuộc sống; yên tâm làm giàu trên chính quê hương mình, hạn chế vay tín dụng đen; tránh được các tệ nạn xã hội. Đây cũng chính là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.

Phương Nga

Các tin bài khác