Tâm thế mùa Thu Cách mạng

30/08/2014
(VBSP News) Từ tháng Tám năm 1945, mùa Thu đối với người Việt Nam còn là mùa Thu Cách mạng và từ đó, cứ mỗi độ Thu về, lòng ta không chỉ đằm sâu hơn những tình cảm thiêng liêng, thánh thiện, mà còn bừng dậy một sức nghĩ mới, cuồn cuộn năng lượng mang tinh thần Cách mạng với khao khát đổi mới chính mình, đổi mới đất nước.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Chúng ta đang sống trong những ngày Thu với thiên nhiên tươi đẹp nhất trong bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông của nước Việt. Hoa trổ hết lòng để thắm. Trời cao hết mình để xanh. Trời đất biếc vào mắt người, cái sâu biếc của lòng người làm nên cả một đất trời vời vợi…

Từ tháng Tám năm 1945, mùa Thu đối với người Việt Nam còn là mùa Thu Cách mạng và từ đó cứ mỗi độ Thu về, lòng ta không chỉ đằm sâu hơn những tình cảm thiêng liêng, thánh thiện, mà còn bừng dậy một sức nghĩ mới, cuồn cuộn năng lượng mang tinh thần Cách mạng với khao khát đổi mới chính mình, đổi mới đất nước. Tất cả với một nguyện ước đặng làm cho non sông ngày một thêm gấm vóc, cho Tổ quốc Việt Nam mau chóng bước lên đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Lịch sử như một dòng chảy, lắm khi quanh co, uốn khúc, trầm luân nhưng luôn hướng về phía trước như dòng sông luôn hướng về biển cả. Trong sự phát triển của lịch sử, giữa những tiệm tiến, thậm chí có những thoái lui, thì thường có những cuộc cách mạng tạo ra bước phát triển nhảy vọt, đem lại sự thay đổi tiến bộ “một ngày bằng mấy trăm năm”.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc Cách mạng như vậy. Nó không chỉ một lúc đánh bại đế quốc xâm lược và một chế độ phong kiến trung cổ “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, giành độc lập cho giang sơn hình chữ S mà còn đưa dân tộc vào trào lưu phát triển hiện đại, tiên tiến của thế giới. Nó không chỉ có nghĩa rằng, nước Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ hoạt động bí mật trở thành một đảng cầm quyền, đã đưa cách mạng nước ta liên tiếp giành được những thắng lợi làm thay đổi cả cục diện quốc tế, góp phần mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên dân chủ - nơi nhân dân lao động được thừa nhận là chủ nhân sáng tạo lịch sử, chủ thể của chế độ chính trị, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân được khẳng định và từng bước bảo đảm.

Cách mạng tháng Tám không chỉ là một võ công oanh liệt chống ngoại xâm, không chỉ dừng ở việc giành được chính quyền - dù chỉ như vậy đã vô cùng vĩ đại. Nó còn vĩ đại hơn rất nhiều cuộc Cách mạng khác vì đã làm thay đổi sâu sắc cả cơ tầng xã hội, nó khai sinh ra những con người mới và cả một dân tộc mới. Và sự bừng tỉnh, khai nguyên ấy; trong sự giác ngộ lịch sử, thấy rõ bản nguyên của mình và quyết gìn giữ nó, cả dân tộc đã biết chăm chú hướng về và tiếp thu sức mạnh của thời đại, thu lọc ánh sáng rọi tới từ tương lai, hướng tất cả sự phát triển về hạnh phúc của con người. Tinh thần Cách mạng tháng Tám vì thế trở nên bất diệt!

Chúng ta có thể soi thấy từng bước phát triển của dân tộc, đặc biệt là về tư tưởng qua những bản Tuyên ngôn độc lập.

Trận thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã mở đầu Kỷ nguyên độc lập, thoát khỏi ách đô hộ nghìn năm của phương Bắc như Ngô Thì Sĩ đánh giá: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống”.

Sau nhiều chiến thắng khác, đến chiến thắng quân sự bạt Tống lẫy lừng của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt năm 1077, bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà được tuyên bố: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Trong bản tuyên ngôn này, chân lý hiển nhiên được khẳng định là: Việt Nam, cũng như Trung Quốc và các nước khác, đều có cương vực, lãnh thổ và quyền tự trị thiêng liêng.

Ý chí độc lập, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh luôn được khẳng định và tỏa sáng trong mọi thời kỳ. Trước khi quét sạch quân Thanh ở Thăng Long vào mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã tuyên bố:

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó ngựa xe tan tác

Đánh cho nó mảnh giáp không còn

Đánh cho nó biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu một chân lý nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và đã thay mặt nhân dân cả nước nói lên một ý chí không gì lay chuyển được và không bao giờ thay đổi: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”.

Tuy nhiên khái niệm độc lập không chỉ là lãnh thổ, là quyền tự trị, là sự hùng mạnh về quân sự. Đó còn phải là sự hùng mạnh về văn hóa. Bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai, do Nguyễn Trãi tuyên cáo vào thế kỷ 15, đã nói rõ điều này: Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Đây là bước phát triển mới về nhận thức. Dân tộc từ đó cũng chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, tạo ra một đội ngũ trí thức hùng hậu, đông đảo hơn trước nhiều lần, tạo nên những kỳ đài văn hóa muôn đời sau còn tự hào mà tiêu biểu là tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Hai bậc tiền nhân xuất chúng ấy, ngày nay, đã được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn nhiều nhân vật được thế giới biết đến như những nhà văn hóa; lịch sử xuất chúng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Mít-tinh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (19/8/1945)

Mít-tinh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (19/8/1945)

Đến năm 1945, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh được toàn bộ tinh hoa của truyền thống dân tộc và của thời đại khi gắn độc lập dân tộc với quyền con người. Trong đó, coi quyền tự do, ước vọng sung sướng của con người thuộc mọi dân tộc mới là mục tiêu của Cách mạng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Cũng chính ngay trong những ngày đầu giành được chính quyền, Bác Hồ đã chỉ ra rằng: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”… “Dân chỉ hiểu được giá trị của tự do, độc lập khi dân được ăn no mặc đủ”. Người chỉ thị: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Để thực hiện được những điều tưởng như đơn giản mà cụ thể ấy, ngoài thể chế chính trị tiến bộ, Đất nước phải có nền kinh tế phát triển và một nền văn hóa có tinh thần dân chủ cao. Người coi nạn đói và sự dốt cũng như những thứ giặc, nguy hiểm như giặc ngoại xâm cần phải đánh đuổi triệt để. Cả đời Người chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Năm 1969, trước khi về với tổ tiên, Người còn gửi lại muôn vàn tình thân yêu cho chúng ta, còn thiết tha mong mỏi và tiên đoán:

Còn non còn nước còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 năm nay, chúng ta vừa vui mừng phấn khởi vì những thành tựu đã đạt được sau gần ba mươi năm đổi mới; vừa phải thấy được chậm trễ của chúng ta trên con đường phát triển. Đặc biệt, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội phải được gắn liền và được bảo đảm bằng mức độ phát triển ngày càng cao về kinh tế.

Theo thống kê và xếp hạng (tính theo PPP) mới đây của Ngân hàng Thế giới, GDP của nước ta đạt 322 tỷ USD đứng hàng thứ 42 trong các quốc gia được thống kê trên thế giới, nhưng khoảng cách so với các nước phát triển là vô cùng lớn. Chẳng hạn Mỹ với 15,7 nghìn tỷ USD; Trung Quốc 12,5 nghìn tỷ USD, Ấn Độ 4,8 nghìn tỷ USD, Nhật Bản 4,5 nghìn tỷ USD và Nga 3,4 nghìn tỷ USD…

So với khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam xếp sau các nước như Indonesia (xếp hạng chung là 16), Thái Lan (21), Malaysia (26), Philippines (29) và Singapore (39).

So với những ước nguyện của Bác Hồ năm 1945 khi lãnh đạo Cách mạng thành công, tức là cách đây 69 năm, tình trạng thất học giảm thiểu nhưng tình trạng thất nghiệp tăng cao; chưa phải ai cũng đã đủ cơm ăn, áo mặc. Chỗ ở và nhiều điều kiện sinh hoạt khác còn thiếu thốn, tạm bợ. Nước có được bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; nhân dân có tự do làm ăn… vẫn còn là những thách thức của một chặng đường phía trước.

Mục tiêu của Cách mạng, định hướng phát triển đất nước đã được xác định một cách đúng đắn trong cương lĩnh và các văn kiện của Đảng; được gọi ra bởi Quốc hiệu dễ nhớ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và những học thuyết tiến bộ của nhân loại đã được thể hiện nhuần nhuyễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó chính là cẩm nang, là di sản tinh thần vô giá luôn luôn đem lại cho ta một niềm tin, một sức mạnh vô song để vững bước trên con đường hội nhập, tiến bộ; con đường dẫn tới tương lai tươi sáng được mở ra từ Cách mạng tháng Tám. Kính yêu Bác không chỉ “lòng ta trong sáng hơn” mà còn phải có được trí tuệ mang tầm vóc thời đại và đặc biệt phải biết trọng dân, chăm dân, làm cho dân có được tự do và hạnh phúc như chí nguyện của Bác, như điều phải đạt được trong một cuộc cách mạng tiến bộ, trong một đất nước văn minh.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nghĩa là sự nghiệp của mỗi người. Ai cũng phải thấy trách nhiệm của mình, ai cũng phải nỗ lực, ai cũng cần hiểu sâu và thực hiện tốt vai trò làm chủ của mình.

Nhưng con tàu chở dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước cũng cần phải một đầu tàu mạnh mẽ. Yêu cầu này, niềm tin này đã được cả dân tộc đặt vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cần phải làm nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin ấy, sứ mệnh cao cả ấy.

Không xa rời mục tiêu cách mạng, xa rời truyền thống đại đoàn kết; phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã khẳng định với bạn bè thế giới tầm vóc vĩ đại trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước nhất định sẽ băng vượt qua mọi hiểm nguy, thử thách, đi tới mục tiêu cuối cùng: giữ vững hoàn toàn nền độc lập của đất nước; xây dựng thành công một xã hội mà trong đó nhân dân hoàn toàn được tự do, hạnh phúc.

Nguyễn Sĩ Đại

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác