NHNN sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

23/12/2013
(VBSP News) NHNN Việt Nam vừa tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến phát biểu tại hội nghị

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến phát biểu tại hội nghị

Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến chủ trì, với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo một số đơn vị của NHNN, Giám đốc NHNN tỉnh, thành phố, đại diện Lãnh đạo các tổ chức tín dụng, NHCSXH Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tín dụng (TCTD) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, công ty tài chính.

Trong 3 năm triển khai Nghị định 41, tín dụng đầu tư phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay đạt 561.533 tỷ đồng, tăng 12,52% so với 31/12/2011, chiếm tỷ trọng 18% trên tổng dư nợ trong nền kinh tế. Đến 30/9/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (chưa bao gồm NHCSXH) đạt 646.706 tỷ đồng, tăng 15,17% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ trọng 19,58% dư nợ của nền kinh tế. Nếu so với năm 2009, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,2 lần. Tốc độ tăng bình quân của dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn trong 3 năm (2010 - 2012) là 24,5%.

Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 đã thu hút sự tham gia tích cực của các TCTD. Trong số này, NHNo&PTNT (Agribank) là ngân hàng đi đầu và có tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực này ở mức cao nhất (khoảng 70% trên tổng dư nợ). Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư Việt Nam. Bên cạnh đó, các Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông, Bưu điện - Liên Việt có mức tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn tương đương 40% tổng dư nợ cho vay, tăng gấp 4 lần so với trước khi triển khai Nghị định 41).

Cơ cấu tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tương đối toàn diện, bao gồm tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. Bước đầu, hoạt động tín dụng ngân hàng đã kết hợp với các chính sách khác của Nhà nước như chính sách khuyến nông, khuyến công để tạo nên hiệu quả tổng hợp của chương trình.

Để khuyến khích hệ thống Ngân hàng tập trung vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã triển khai một số cơ chế chính sách ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực này: Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND ở mức thấp đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn cao; tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ; các khoản cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được NHNN ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay so với các lĩnh vực khác. NHNN cũng đề nghị các TCTD xem xét, điều chỉnh, giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Hiện nay các mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường.

Nghị định 41 còn tạo ra cơ chế phối hợp kế đồng bộ giữa chính sách tín dụng với các chính sách khác đối với nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho lĩnh vực này. Việc thí điểm bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp như tôm, thủy sản đang được triển khai tại một số địa phương góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất. Giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất cũng đang được Ngân hàng TMCP Bưu điện - Liên Việt áp dụng. Hồ sơ, thủ tục cho vay nông nghiệp, nông thôn cũng từng bước được cải tiến tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Trong đó, hình thức Sổ vay vốn được khách hàng đánh giá cao về tính phù hợp và giản tiện phù hợp với đối tượng vay vốn.

Mặc dù, đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bao gồm nguồn vốn cho vay hạn chế; khả năng huy động vốn trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn còn thấp; TCTD còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để xử lý rủi ro, hỗ trợ khách hàng; tính liên kế trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại và xác nhận giấy tờ vay vốn ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn, tới việc sản xuất, kinh doanh mang nhiều tính thời vụ ở địa bàn nông thôn…

Để việc triển khai Nghị định 41 và các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn trở nên thiết thực hiệu quả hơn, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc tạo nguồn vốn để đầu tư cho lĩnh vực này, cần có sự chủ động, tích cực hơn của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, về thủ tục, về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt là việc triển khai và ban hành các văn bản pháp luật về đất đai; tăng cường tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin…

Phát biểu tại Hội nghị, PThống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, phát triển nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn có tính chiến lược được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đối với ngành Ngân hàng, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được sự ưu tiên, hỗ trợ trong nhiều năm nay. Sau 3 năm triển khai Nghị định 41, hoạt động tín dụng ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy vậy, trước những khó khăn ngày càng lớn mà ngành nông nghiệp phải đương đầu như thiên tai, bệnh dịch, vấn đề con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm…, ngành Ngân hàng phải rà soát để có thể đề ra các biện pháp tích cực hơn và phù hợp hơn với cơ chế thị trường, phù hợp hơn với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc NHNN tập trung nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, trong đó có một số điều của Nghị định 41 và các văn bản liên quan; tạo điều kiện cho các TCTD chủ động hơn trong hoạt động đầu tư tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Việc sơ kết triển khai thực hiện Nghị định mới chỉ là những đánh giá bước đầu, do đó các kiến nghị về việc sửa đổi bổ sung Nghị định 41 và các giải pháp được đề xuất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Theo SBV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác