NHCSXH nói về ký quỹ xuất khẩu lao động

05/12/2013
(VBSP News) NHCSXH đã triển khai hướng dẫn nghiệp vụ ký quỹ cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại tất cả các chi nhánh trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động.

sep Ly

Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), từ ngày 20/11/2013, tất cả lao động Việt Nam muốn sang Hàn Quốc làm việc đều phải có giấy xác nhận đã đóng khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng của NHCSXH.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý (ảnh) xung quanh việc thực hiện quy định này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, những đối tượng nào đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi vay ký quỹ tại NHCSXH đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc?

Trả lời: Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn ký quỹ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc là người lao động thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn tại NHCSXH để đi XKLĐ theo quy định hiện hành của Chính phủ. Bao gồm: Người lao động tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; thân nhân của người có công với cách mạng; người lao động thuộc hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định của Chính phủ; người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường.

Phóng viên: Những đối tượng đủ điều kiện được vay vốn ký quỹ tại NHCSXH phải thực hiện những thủ tục gì, khai báo tại đâu và thực hiện ký quỹ như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Thủ tục và quy trình vay ký quỹ tại NHCSXH được thực hiện như sau: Người lao động lập Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu được NHCSXH cấp phát. Sau đó trình UBND cấp xã xác nhận thuộc đối tượng chính sách.

Người lao động nộp cho cán bộ NHCSXH Giấy đề nghị vay vốn kèm Hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được ký kết giữa người lao động với Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB-XH.

Sau đó, người lao động cùng NHCSXH lập Hợp đồng tín dụng để ký nhận nợ và người lao động viết “Giấy đề nghị ký quỹ” và cùng NHCSXH lập Hợp đồng ký quỹ.

NHCSXH mở cho người lao động “Tài khoản ký quỹ” để chuyển tiền vay vào tài khoản ký quỹ. Cuối cùng, NHCSXH sẽ lập “Giấy xác nhận ký quỹ” cho người lao động.

Phóng viên: Đối với người lao động được vay tiền NHCSXH để thực hiện việc ký quỹ thì lãi suất được tính như thế nào và tiền gửi ký quỹ của các đối tượng còn lại được NHCSXH trả lãi suất ra sao, thưa ông?

Trả lời: Lãi suất cho vay ký quỹ áp dụng theo lãi suất cho vay người lao động đi XKLĐ phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, người lao động được vay để chi phí cho việc đi XKLĐ với lãi suất nào thì được ký quỹ với lãi suất đó, tức là lãi suất tiền vay ký quỹ bằng lãi suất tiền gửi ký quỹ.

Hiện nay, căn cứ vào các Quyết định của Chính phủ về lãi suất cho vay đối với từng đối tượng đi XKLĐ thì lãi suất ký quỹ cụ thể như sau: Đối với hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo cư trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, lãi suất cho vay ký quỹ là 0,325%/tháng (3,9%/năm), lãi suất tiền gửi ký quỹ áp dụng là 0,325%/tháng (3,9%/năm).

Các hộ còn lại: Lãi suất cho vay ký quỹ là 0,65%/tháng (7,8%/năm), lãi suất tiền gửi ký quỹ áp dụng là 0,65%/tháng (7,8%/năm).

Phóng viên: Xin ông giải thích cụ thể về số tiền ký quỹ của người lao động được quản lý tại NHCSXH trong suốt thời gian lao động tại Hàn Quốc và khi hết hạn hợp đồng trở về thì thủ tục thanh toán như thế nào?

Trả lời: Trong suốt thời gian người lao động làm việc tại Hàn Quốc, số tiền ký quỹ được NHCSXH quản lý chặt chẽ, luôn luôn đảm bảo số dư tiền gửi ký quỹ của mỗi lao động là 100 triệu đồng.

NHCSXH có trách nhiệm trả lãi định kỳ theo quy định cho người ký quỹ. NHCSXH quản lý, sử dụng khoản tiền này cho đến khi nhận được thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB-XH hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hoàn trả và tất toán tài khoản tiền gửi ký quỹ cho người lao động.

Thủ tục hoàn trả và tất toán như sau: Đối với người lao động về nước đúng hạn, NHCSXH căn cứ thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, hoàn trả lại gốc và lãi cho người lao động sau khi trừ các khoản phát sinh hợp lý (nếu có trong thông báo).

Riêng với người lao động vay vốn tại NHCSXH, tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc, lãi) được dùng để trả khoản vay ký quỹ, số còn lại trả cho người lao động sau khi trừ các chi phí phát sinh hợp lý.

Còn đối với người lao động về nước trước hạn do vi phạm hợp đồng, NHCSXH căn cứ thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước để trả cho Trung tâm lao động những khoản thiệt hại do người lao động gây ra, số còn lại trả cho người lao động, nếu tiền ký quỹ không đủ bù đắp thiệt hại thì người lao động phải nộp thêm. Riêng với người vay vốn tại NHCSXH, tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc, lãi) được dùng để trả khoản vay ký quỹ, số còn lại trả cho người lao động sau khi trừ các chi phí phát sinh hợp lý.

Đối với người bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc ở lại trái phép tại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng, sau khi nhận thông báo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, NHCSXH chuyển toàn bộ tiền ký quỹ (gồm gốc và lãi) vào quỹ Giải quyết việc làm địa phương cấp tỉnh nơi người lao động cư trú hợp pháp trước khi đi Hàn Quốc. Riêng với người vay vốn tại NHCSXH, tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc, lãi) được dùng để trả khoản vay ký quỹ.

Phóng viên: Công tác triển khai Quyết định 1465 đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Sau khi nhận được Thông tư Liên tịch số 31 của Liên Bộ LĐTB-XH-Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm ký quỹ theo Quyết định 1465 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/11/2013, NHCSXH đã ban hành văn bản số 3672 hướng dẫn nghiệp vụ ký quỹ tại NHCSXH và chỉ đạo các chi nhánh trên toàn quốc triển khai thực hiện.

Tính đến ngày 2/12, tại 35 chi nhánh đã áp dụng Intellect thì đã có 19 chi nhánh NHCSXH nhận tiền ký quỹ của 109 lao động với số tiền 10,9 tỷ đồng, trong đó có 35 lao động đã bay sang Hàn Quốc, số lao động còn lại sẽ bay vào ngày 4/12/2013 theo kế hoạch của Bộ LĐTB-XH.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thu Cúc - Cổng TTĐT Chính phủ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác