Tạo sinh kế lâu dài cho người trồng rừng
Màu xanh của rừng nguyên liệu giấy phủ kín đồi, núi tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Quế Sơn. Nông dân ở đây đang được hưởng nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế từ chương trình vay vốn ưu đãi trồng rừng.
Cải thiện thu nhập bền vững
Gia đình chị Lê Thị Học ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My nhờ được vay vốn hộ nghèo và vốn ưu đãi cách đây mấy năm đã trồng được 10ha keo nguyên liệu giấy. Tới nay, gia đình chị đã có đời sống khấm khá nhờ 40% diện tích keo đã cho thu hoạch. Cùng xã Trà Giang, hộ ông Triệu Khánh Hòa ở thôn 5 cũng vừa thu hoạch 3ha keo, đạt 60 triệu đồng/ha, 4ha khác sẽ cho thu hoạch vào những năm tới.
Chị Y Nong, dân tộc KDong ở thôn 2 cũng được vay 76 triệu đồng vốn ưu đãi, trong đó: riêng vốn trồng rừng là 48 triệu đồng. “Trước đây, cứ 1ha rừng trồng nhà tôi được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi, năm 2012 nâng lên 15 triệu đồng/ha…” - chị Y Nong cho hay.
Toàn xã Trà Giang hiện có hơn 2.000ha đất lâm nghiệp, trong đó: Riêng đất rừng sản xuất đã phủ xanh cây là 850ha. Năm 2013, nhờ được vay vốn ưu đãi nên đã có 157 hộ trồng hơn 250ha rừng kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Có vốn ưu đãi nên bà con đã hăng hái trồng rừng. Dù trồng trước hay trồng sau thì chắc chắn đời sống, thu nhập của bà con trong xã sẽ được cải thiện theo hướng bền vững, lâu dài…”.
Hướng đến nhiều lợi ích
Dự án không những mang lại lợi ích kinh tế, kiến thức lâm nghiệp cho nông dân mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý đất rừng một cách minh bạch và khoa học.
Tổng dư nợ vốn vay ưu đãi cho nông dân trồng rừng theo dự án phát triển lâm nghiệp do WB tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đạt hơn 150 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức và Quế Sơn với 4.765 hộ nông dân được hưởng lợi. |
Bà Nguyễn Thị Kim Vinh ở xã Bắc Trà Mỹ cho hay: “Không có chuyện nói vay vốn là vay được ngay. Hộ vay vốn phải được xác định rõ về vị trí, diện tích đất rừng và phải được cấp sổ đỏ thì ngân hàng mới giải ngân… Việc này rất hay là giúp bà con chúng tôi rất yên tâm vì đất rừng là đúng của mình”.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang thừa nhận, cách triển khai dự án đã thúc đẩy các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, thực hiện đo đạc, xác định mốc giới và cấp sổ đỏ cho các hộ trồng rừng.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Tiên Phước cho biết, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trồng rừng trên địa bàn huyện hiện là hơn 50 tỷ đồng. Vốn ưu đãi trồng rừng đã về với nông dân 10/15 xã trên địa bàn huyện, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế…
Bài và ảnh Phương Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ngành Ngân hàng luôn quan tâm đặc biệt đến công tác an sinh xã hội
- » Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL
- » Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL 2013
- » Ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng ĐBSCL
- » Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2013: Nhiều chương trình cho người nghèo vay vốn
- » Quy định việc các Tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội
- » Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Sẽ thêm cơ chế giúp người nông dân thoát nghèo bền vững
- » Tập trung giải ngân vốn cho HSSV vay
- » NHNN là Ngân hàng Trung ương của nước CHXHCN Việt Nam
- » Giúp làng nghề qua “sóng cả”