Giúp vốn cho hộ cận nghèo

20/12/2013
(VBSP News) Sau hơn 7 tháng thực hiện Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh ở Hậu Giang đã mang lại hiệu quả bước đầu thiết thực, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo tiền đề giảm nghèo bền vững.

Lâu nay, chính sách tín dụng ưu đãi chỉ đến tay hộ nghèo, trong khi khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo chênh lệch không bao nhiêu. Thực tế đã có không ít hộ cận nghèo (cả những hộ vừa thoát nghèo) rơi vào tình cảnh tái nghèo. Vì thế, nhu cầu cần có vốn sản xuất, kinh doanh của họ là chính đáng. Quan trọng là họ có phát huy hiệu quả đồng vốn vay hay không, đòi hỏi có sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của người dân trong phối hợp, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn bà con các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lê Văn Tấn, ở ấp Trường Bình, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, một trong những hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Nhìn cung cách tính toán làm ăn của ông Tấn thật sự là người chí thú làm ăn, nhưng lâu nay cũng chỉ khá hơn hộ nghèo chút ít. Ông Tấn tâm sự: “Nhà thì ít đất sản xuất, cũng muốn chăn nuôi, mua bán nhỏ gì đó để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhưng ngặt nỗi thiếu vốn đầu tư. Gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, tôi được vay 20 triệu đồng. Tin là với số vốn này, gia đình tôi sẽ thoát nghèo bền vững”. Từ đồng vốn vay được, ông Tấn đầu tư thả nuôi cá lóc trong vèo, sau ba tháng đã cho thu hoạch vụ đầu, trừ chi phí lãi được hơn 1,5 triệu đồng. Mặt khác, nhờ mở quán cà phê, tiền lời kiếm được đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Hiện tại, ngoài đóng lãi hằng tháng cho ngân hàng, ông Tấn còn đầu tư nuôi thêm một vèo cá lóc và thả nhiều loại cá trên ruộng lúa.

Hầu hết hộ cận nghèo khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đều tỏ ra chí thú làm ăn với mong muốn có cuộc sống khá giả hơn. Như trường hợp của anh Dương Hoàng Mộng ở ấp So Ðũa Bé, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, vừa mới được vay 20 triệu đồng, đã mua khoai ngọt giống và chuẩn bị mở rộng thêm diện tích gieo trồng. Anh Mộng cho biết: “Nhà chỉ có một công đất, nhưng mấy năm nay trồng khoai được giá nên cuộc sống cũng tạm được. Thấy trồng khoai ngọt có lợi nhuận, tôi tính mở rộng diện tích, nhưng không có vốn. Giờ có chương trình cho hộ cận nghèo vay vốn với lãi suất thấp, nên tôi vay để mướn đất trồng thêm. Mục tiêu của tôi là cố gắng làm ăn, dành dụm tiền để mua thêm đất sản xuất. Nông dân mà, phải có đất đai, chăm chỉ làm ăn mới mong khấm khá được”.

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều, chính sách tín dụng cho hộ cận nghèo cũng như đối với hộ nghèo, riêng lãi suất có hơn chút ít (bằng 120% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo). Có thể nói, chủ trương này ra đời đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012, toàn tỉnh có hơn 19.000 hộ cận nghèo đang “khát” vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, với tổng nhu cầu vốn vay khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, nên sau hơn bảy tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 49 tỷ đồng cho hơn 3.600 hộ cận nghèo.

Ðể có nguồn vốn tiếp tục hỗ trợ hộ cận nghèo, ông Nguyễn Thanh Triều cho biết: Ngoài tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, ngân hàng cũng đang đề nghị các địa phương cần trích một phần ngân sách địa phương chuyển qua. Song song đó, sẽ rà soát chuyển nguồn vốn của hộ đã thoát nghèo nhưng còn nợ sang diện hộ cận nghèo. Ngoài ra, tranh thủ thu hồi các nguồn vốn như xuất khẩu lao động còn nợ để chuyển qua hỗ trợ cho hộ cận nghèo. Phấn đấu trong năm 2014 sẽ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu vốn vay cho hộ cận nghèo.

Có thể nói, chủ trương hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo phát triển kinh tế không chỉ tạo tiền đề giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn góp phần rất lớn vào công cuộc bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

Phùng Dũng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác