Thêm chính sách để xóa nghèo bền vững

19/12/2013
(VBSP News) Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo có hiệu lực từ ngày 16/4/2013 đã trở thành động lực mới trong hành trình thoát nghèo bền vững của người dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, cũng đã góp phần giúp các địa phương bứt phá khỏi vòng luẩn quẩn của hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Hiệu quả đồng vốn từ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo đã mang lại lớn cho nông dân Nghệ An

Hiệu quả đồng vốn từ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo đã mang lại lớn cho nông dân Nghệ An

Theo kết quả điều tra đến cuối năm 2012, huyện miền núi thấp Thanh Chương lại đứng đầu danh sách về hộ cận nghèo, có đến trên 13.000 hộ, chiếm tỷ lệ 22,5%, trong đó: 10.029 hộ có nhu cầu vay vốn. Ngay sau khi có chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi, NHCSXH huyện Thanh Chương đã tham mưu cho UBND huyện gửi văn bản tới 40 xã/thị trấn trên toàn địa bàn để điều tra, thực tế nhu cầu vay vốn của hộ cận nghèo, điều chỉnh, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ thuộc hộ nghèo của địa phương để có căn cứ xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng tiêu chí, đảm bảo những đối tượng này được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH.

Báo cáo của Hội Phụ nữ huyện Thanh Chương cho biết đến cuối tháng 10/2013 có 276 hội viên phụ nữ trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn của chương trình cho vay hộ cận nghèo với số tiền hơn 6,3 tỷ đồng. Hiện nhu cầu của hội viên rất lớn, nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng đủ, nên Hội Phụ nữ đã chủ động bàn với NHCSXH tiến hành cân đối phù hợp để tạo điều kiện cho nhiều chị em cùng được sử dụng vốn. Trường hợp như chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Long, xã Thanh Lương được vay vốn từ chương trình hộ cận nghèo ngay từ đợt đầu tiên với số tiền 18 triệu đồng tạm đủ nuôi 2 con lợn nái. Chị Nhung cho biết: “Gia đình tôi có tới 5 nhân khẩu mà chỉ trông vào 3 sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ đủ lương thực để ăn, cuộc sống rất chật vật. Từ tháng 5 vừa rồi, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn của chương trình hộ cận nghèo, gia đình tôi đã có điều kiện đầu tư chăn nuôi lợn nái. Nhưng nếu được nâng mức vay cao gấp 2 lần hiện tại thì nông dân chúng tôi không chỉ được thoả mãn “cơn khát” vốn, mà chắc chắn có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Tính đến nay, cùng với huyện Thanh Chương, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Nghệ An đã đồng loạt giải ngân nguồn vốn hộ cận nghèo như Hưng Nguyên dư nợ 17,7 tỷ đồng, Đô Lương 19 tỷ đồng, Diễn Châu 18 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 14 tỷ đồng… Trong đó, TX. Cửa Lò là đơn vị có dư nợ tín dụng hộ cận nghèo cao nhất, với 20 tỷ đồng cho 768 hộ vay, bình quân 25,9 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn này cơ bản đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo trên địa bàn. Vốn vay được người dân đầu tư phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và kinh doanh hải sản khô, tươi sống, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho mỗi hộ dân.

Qua hơn 6 tháng triển khai thực hiện chương trình tín dụng hộ cận nghèo, Nghệ An đã đạt dư nợ là 246 tỷ đồng với 10.690 hộ vay vốn. Tuy nhiên, do tỷ trọng của nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo còn rất nhỏ so với các chương trình khác, chỉ chiếm trên 4,15% tổng nguồn vốn của các chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Nghệ An và chỉ bằng 12,31% so với dư nợ cho vay hộ nghèo. Mặc dù, Nhà nước rất quan tâm đến đối tượng hộ cận nghèo, nhưng trong điều kiện nguồn vốn có hạn và thời gian còn ở bước đầu nên việc đầu tư với mức vốn như trên của chương trình tín dụng mới này cũng đã thể hiện sự cố gắng của NHCSXH tỉnh Nghệ An trên con đường xóa nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh Lê Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác