Đột phá từ Chỉ thị số 40-CT/TW ở Ninh Bình (Bài 1: “Chìa khóa” mở lối thoát nghèo)
Trao “cần câu” không trao “con cá”
Chị Phạm Thị Thu Hằng thuộc diện hộ gia đình khó khăn nhất ở thôn Hoàng Sơn Tây, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình. Gia đình thuần nông vốn chẳng mấy dư giả, ấy vậy mà chồng bị ung thư mới mất chưa được bao lâu, con trai chị lại bị tai nạn, ảnh hưởng đến thần kinh và hỏng mất một mắt. Những biến cố đau buồn liên tiếp ập đến như muốn quật ngã người phụ nữ bé nhỏ nhưng chị luôn tự nhủ mình phải kiên cường, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con.
Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Hằng, các tổ chức hội, đoàn thể của xã không chỉ có những động viên kịp thời về vật chất, tinh thần mà còn mang đến cơ hội thoát nghèo cho gia đình thông qua việc hỗ trợ, hướng dẫn chị vay vốn từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi.
Chị Hằng chia sẻ: “Với số tiền 100 triệu đồng được vay, tôi mua trâu về nuôi, nhờ chịu khó chăm sóc, lại được các cán bộ kỹ thuật bám sát, hướng dẫn cách phòng bệnh nên đàn trâu phát triển khỏe mạnh, mỗi năm sinh sản thêm được vài con nghé. Tiền lãi bán nghé, tôi lại đầu tư mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán có thêm thu nhập, kinh tế khá dần lên. Chính tôi cũng không tin nổi mình có thể vượt qua chừng ấy khó khăn để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tất cả cũng nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền dành cho những người nghèo như chúng tôi, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH”.
Một điển hình khác cho sự bền bỉ, kiên trì vượt khó đó là trường hợp của anh Nguyễn Quang Thản ở thôn Đại Áng, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Vốn là một thanh niên khỏe mạnh, chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình cũng khá giả. Nhưng rồi năm 2021, anh Thản phát hiện mình bị suy thận, toàn bộ kinh tế đổ vào việc chữa bệnh khiến gia đình rơi vào cảnh nghèo khó. Sau khi được ghép thận, sức khỏe dần hồi phục, anh Thản quyết tâm khôi phục lại kinh tế gia đình. Được sự tiếp sức của NHCSXH cho vay 100 triệu đồng, anh Thản mua máy móc về làm dịch vụ xay xát kết hợp kinh doanh lúa gạo. Với sự nỗ lực không ngừng, vừa cố gắng lao động sản xuất, vừa chống chọi với bệnh tật, đến nay, anh Thản đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chị Nguyễn Thị Hà là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đại Áng đã có gần 10 năm là “cánh tay nối dài” đưa chính sách tín dụng đến với hộ nghèo, cận nghèo. Chị Hà cho biết: Các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện thực sự cần thiết và phù hợp với người nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một hình thức đầu tư cho người nghèo, nhằm hạn chế việc “cho không”, đã từng là thực trạng kéo dài, không hiệu quả. Với các khoản vay nhỏ, lãi suất thấp, thời gian vay hợp lý và đặc biệt có sự đồng hành sát sao của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn đã phát huy sức mạnh tổng hợp, giúp nhiều gia đình giải được bài toán thoát nghèo.
Câu chuyện của chị Hằng, anh Thản chỉ là 2 điển hình minh chứng cho nhận định tín dụng chính sách xã hội là một “trụ cột” quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh, 10 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 81 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,86%. Những kết quả này minh chứng về một quyết sách đúng đắn của Đảng, chuyển mạnh cách làm từ cho người nghèo “con cá” bằng cách đưa “cần câu”, tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách xoay chuyển đói nghèo để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Những chiếc “cần câu” từ tín dụng chính sách đã giúp hàng vạn hộ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Hơn nữa, việc sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả còn là “đòn bẩy” giúp phát triển kinh tế bền vững của cả một địa phương, một vùng.
Anh Lã Phú Thuận ở xóm 1, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô luôn mong muốn phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên để đem những sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng. Song nguồn vốn sản xuất luôn là điều anh trăn trở. Được vay 500 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH đã tạo động lực cho anh đầu tư phát triển cây khoai ngọt trên diện tích 4,2ha. Năm 2023, mô hình sản xuất của anh cung cấp ra thị trường 30 tấn ngó khoai, trên 6 tấn ốc nhồi thương phẩm… thu về trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày.
Anh Thuận chia sẻ: “Có ý tưởng, có hoài bão nhưng nếu không có vốn thì cũng không thể làm gì được. Rất mừng là thời gian qua, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời về vốn để những nông dân như chúng tôi có cơ hội mở rộng sản xuất, làm giàu cho gia đình, cũng như tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trong vùng”.
Tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, chúng tôi đến thăm xưởng may gia công của ông Phạm Văn Thủy. Gần 50 công nhân chủ yếu là chị em phụ nữ, người lớn tuổi đang miệt mài bên những chiếc máy may, kịp đáp ứng đơn hàng áo rét cho mùa Đông. Gắn bó với xưởng may nhiều năm, bà Phạm Thị Ngoãn chia sẻ: “Vì quá tuổi để xin vào làm ở các công ty nên trước đây tôi chỉ làm ruộng, thu nhập hầu như không có. May mắn là từ khi có xưởng may này, tôi có thêm việc làm, thêm thu nhập. Đặc biệt, do gần nhà, thời gian làm việc lại linh động nên tôi vẫn có thể lo việc đồng áng, chăm lo cho gia đình”.
Ông Phạm Văn Thủy - Chủ xưởng may cho biết: “Tôi mở xưởng may với mong muốn vừa phát triển kinh tế cho gia đình, vừa tạo việc làm cho phụ nữ tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không có đơn hàng nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng không cầm cự nổi. Thật may gia đình được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư mua nguyên vật liệu, tôi mới có cơ hội vực dậy sản xuất, đón đầu sự phục hồi của ngành may mặc, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động”.
Những mô hình kinh tế năng động mà chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đang “thắp lửa” trong cộng đồng như của anh Thuận, anh Thủy đã và đang góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, ngành nghề ở nông thôn phát triển, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Nguyễn Lựu
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tín dụng chính sách góp phần làm đổi thay quê hương Cách mạng Tây Ninh
- » Bài 3: Tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng bền vững
- » Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Thanh Hóa (Bài 1: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân)
- » Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương
- » Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại NHCSXH
- » Tỉnh ủy Hà Nam tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW