Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tô đậm tính nhân văn của chính sách vì người nghèo
Về thị xã Nghi Sơn hôm nay, dấu tích của một địa phương còn muôn vàn khó khăn với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu hầu như đã không còn, thay vào đó một đô thị mới đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy những lợi thế đặc trưng và riêng có của địa phương cùng sự trợ lực “mưa dầm thấm đất” của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH, mô hình kinh tế của gia đình bà Hoàng Thị Doan, ở phường Xuân Lâm ngày càng phát triển. Đồng vốn được quay vòng, quy mô phát triển kinh tế ngày càng được mở rộng, gia đình bà Doanh đã nhanh chóng thoát nghèo. Bà Doanh chia sẻ: “Trước đây do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét và tín chấp với NHCSXH Nghi Sơn, tôi đã được vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm quảng canh. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình tôi đã có 3 ao nuôi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tôi rất phấn khởi”.
Không chỉ gia đình bà Doanh mà nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách ở thị xã Nghi Sơn, nhờ nguồn vốn chính sách, sự quan tâm sát sao của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và địa phương.
Đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại thị xã Nghi Sơn đạt hơn 820 tỷ đồng với hơn 14.000 khách hàng vay vốn. Thực tiễn qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột quan trọng giúp nâng cao đời sống cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 2,06%. Đây sẽ là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghi Sơn quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Còn đối với huyện Nga Sơn đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để bố trí đủ vốn cho các hộ có nhu cầu vay; chủ động rà soát, xác định đối tượng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn thuận lợi. Giám đốc NHCSXH huyện Cù Ngọc Thanh chia sẻ: Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ đó, đơn vị đã xây dựng, tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Gia đình anh Nghiêm Văn Trường ở thôn Hưng Đạo, xã Nga Thủy là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay 30 triệu đồng, anh đầu tư phát triển nghề sản xuất chiếu cói, qua từng năm tích lũy kinh nghiệm, cơ sở sản xuất của gia đình anh có hiệu quả kinh tế và được tạo điều kiện nâng hạn mức vay lên 50 triệu đồng để mở rộng cơ sở, mua thêm máy dệt chiếu. Nhờ nguồn vốn đã giúp gia đình anh Trường thoát nghèo, mang lại nguồn thu ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Cũng như gia đình anh Trường, nhiều hộ dân ở huyện Nga Sơn đã được hỗ trợ vay vốn phát triển góp phần duy trì và phát triển ngành thủ công truyền thống mang lại việc làm thêm cho hàng trăm người dân lao động địa phương.
Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển
10 năm qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã khẳng định đây là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đối với một chính sách đặc thù giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chi nhánh ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với yêu cầu nhiệm vụ.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội với nhiều đổi mới, tạo sự kỳ vọng lớn cho người dân về một chủ trương đầy tính nhân văn. Đối với mỗi cán bộ NHCSXH luôn hiểu rằng “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, gần dân, sát dân, rà soát kịp thời các đối tượng, nắm bắt được nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để cho vay đúng cho vay đủ để “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế.
Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Tín dụng chính sách không những giải quyết được một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống mà còn giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH cùng cấp để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn 2014 - 2024, toàn tỉnh đã có 847,9 nghìn lượt hộ vay vốn NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động; giúp 13.900 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 520.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 12.536 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống và nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp; hỗ trợ cho 14 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương ngừng việc cho hơn 2.000 lượt lao động. Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 194.500 hộ thoát ngưỡng nghèo và góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,52% vào cuối năm 2023.
Hiệu quả đầu tư nguồn vốn chính sách là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, thể hiện ở mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Những giá trị đó có ý nghĩa hết sức to lớn trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương. Có thể khẳng định, những chiếc “cần câu” từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Cao hơn nữa, sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Bài và ảnh Khánh Phương
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tín dụng chính sách góp phần làm đổi thay quê hương Cách mạng Tây Ninh
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Thanh Hóa (Bài 1: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân)
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Hà Nam
- » Tăng sức bền cho phát triển kinh tế Thủ đô
- » Hà Nội thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Trên 307 nghìn lượt hộ ở Thái Nguyên được vay vốn ưu đãi giảm nghèo
- » Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW