Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Hà Nam

10/07/2024
(VBSP News) Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Những kết quả đạt được đã khẳng định rõ vai trò và ý nghĩa quan trọng của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
20240708081416-1011

Cán bộ NHCSXH huyện Thanh Liêm thực hiện thủ tục giải ngân cho khách hàng tại Điểm giao dịch xã Liêm Túc

Trao sinh kế bền vững
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giảm nghèo; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các chương trình tín dụng chính sách được đánh giá là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành một điểm sáng, một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của tỉnh nhiều năm qua. Nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách và vươn lên ổn định cuộc sống.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng mất cách đây 4 năm vì bệnh trọng, để lại con thơ, trước hoàn cảnh khó khăn của chị, Đoàn Thanh niên xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn đã hỗ trợ gia đình chị được vay vốn NHCSXH với số tiền 70 triệu đồng. Có vốn, chị mạnh dạn mua một số con giống về nuôi; đồng thời, trồng ngô, hoa màu và mua cây keo giống về trồng xen canh. Hiện nay vườn cây trồng, chăn nuôi đang sinh sôi, phát triển tốt, đàn dê, bò giống cũng đến kỳ sinh sản, xuất chuồng, kinh tế gia đình từng bước ổn định.
Cũng như chị Huệ, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Chị chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo trong xã, thông qua hoạt động ủy thác của Hội Phụ nữ xã, năm 2020, chị mạnh dạn vay vốn NHCSXH để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm đó, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị đã chuyển hướng sang nghề sản xuất giò của gia đình. Đến năm 2023, sau khi hoàn trả vốn vay hộ cận nghèo, chị đã được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị, nâng cấp và mở rộng dây chuyền sản xuất.
Từ một cơ sở sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, đến nay, cơ sở sản xuất Giò Hiền của gia đình chị đã tìm được chỗ đứng trong các siêu thị lớn ở các TP Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và hình thành một chuỗi đại lý tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bình quân mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ gần 2 tạ sản phẩm giò lợn các loại; doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng/ngày. Với chất lượng cao, tháng 1/2024, một số sản phẩm của cơ sở sản xuất Giò Hiền đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao… Đặc biệt, mới đây, cơ sở của chị đã ký được hợp đồng tiêu thụ với Trung tâm thương mại GO! Hà Nam (Phủ Lý - Hà Nam).
Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đem lại những hiệu quả tích cực và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội.
Tăng trưởng nguồn vốn, lan tỏa giá trị nhân văn
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Duy Tiên Trịnh Thị Hằng cho biết: Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục triển khai, quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW để nâng cao nhận thức, vai trò của hoạt động tín dụng chính sách trong toàn Đảng bộ thị xã. Ngoài ra, sẽ quan tâm bố trí một phần ngân sách của địa phương bổ sung vào nguồn vốn vay NHCSXH để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn vốn vay.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 03 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam đạt 3.368 tỷ đồng, tăng 2.074 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 160,27%), trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 205 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,1% tổng nguồn vốn, tăng gấp 19,87 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ tại chi nhánh đạt 3.362 tỷ đồng với 47.647 khách hàng còn dư nợ; bình quân mỗi năm tăng trưởng 206,8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho trên 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 21 nghìn lao động; giúp trên 14 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 1.964 HSSV được vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến; góp phần xây dựng, cải tạo được trên 162 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 1.408 căn nhà cho hộ nghèo, người có công, cán bộ, viên chức, công chức, công nhân, người thu nhập thấp (trong đó có 18 người lao động được vay vốn để mua nhà ở xã hội); hỗ trợ 49 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.349 lượt người lao động, 28 trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; hỗ trợ 72 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…; góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2015 là 5,81%, đến năm 2023 xuống còn 2,11%.
Như vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Giám đốc chi nhánh Lê Thị Kim Dung, thời gian tới, để tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng chính sách xã hội. Cùng với đó, UBND các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; MTTQ các cấp tiếp tục nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.

Bài và ảnh Minh Thu

Các tin bài khác