Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Thanh Hóa (Bài 1: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân)
Khi chính sách đi vào cuộc sống
10 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
Có mặt tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước vào đúng ngày giao dịch cố định, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thế Anh cho biết: Việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của xã. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của toàn thể cán bộ, đảng viên xã Điền Trung thời gian qua đã giúp công tác giảm nghèo được triển khai thiết thực hơn. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách ở xã không những tăng trưởng nhanh mà hiệu quả của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách tại xã phải kể đến gia đình ông Hà Văn Hiệp. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây dựng khang trang, ông Hiệp cho biết: “Ngôi nhà là kết quả sau nhiều năm tích cóp, đầu tư làm ăn từ nguồn vốn chính sách. Món vay không lớn, nhưng điều mà tôi cũng như những người dân nghèo, gia đình chính sách cảm thấy mừng là nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi, từ đó chúng tôi có thêm lòng tin về Đảng, về Nhà nước tiếp tục nỗ lực, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. 5 năm trước, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, tôi đã vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi trâu giống. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo. Từ con trâu giống đầu tiên mua bằng nguồn vốn ngân hàng, đến nay, gia đình ông đã có tài sản là gần 20 con trâu, và là hộ điển hình cho nhiều người dân địa phương học tập”.
Là huyện nghèo của cả nước, Bá Thước đang dần đổi thay mạnh mẽ. Những con đường bê tông trải dài vào các thôn xóm, bản làng; hệ thống cơ sở hạ tầng trường học, khu dân cư đã được nâng cấp, khang trang. Dòng vốn tín dụng chính sách ngày một chảy mạnh và phủ rộng, đã đem đến cuộc sống mới cho người dân nơi đây. Bám sát Chỉ thị số 40-CT/TW, cả cấp uỷ, chính quyền địa phương đã cùng vào cuộc, xem tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, phối hợp quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng chính sách xã hội, góp phần thay đổi tư duy tập quán sản xuất, ý thức vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân. Thực tế ở huyện Bá Thước cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự được người dân tin tưởng, gửi gắm hy vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, là một trong những “điểm tựa” để huyện quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi huyện nghèo của cả nước.
Tạo chuyển biến về nhận thức
Nếu nói tín dụng chính sách như cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi thì Chỉ thị số 40-CT/TW được xem như ngọn gió đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn. Bởi ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát của mình, mà còn nhập cuộc, đưa hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh việc thường xuyên kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện, mô hình quản trị của NHCSXH đã có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và bổ sung 100% các Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện cấp huyện. Qua đó giúp việc quản lý và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao hơn, mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân.
Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, bố trí địa điểm, điều kiện, thời gian làm việc cho NHCSXH các huyện, ở mỗi xã, phường, thị trấn đều có một Điểm giao dịch. Tại Điểm giao dịch sẽ thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… phục vụ người dân vào ngày cố định trong tháng theo phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có 558 Điểm giao dịch đặt tại 558 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và 6.431 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mọi chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi, công tác kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi của hộ vay khi đến hạn, nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân… được triển khai, thực hiện kịp thời, những phát sinh trong thực tế nhanh chóng được giải quyết. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để chuyển tải kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Tại huyện Nông Cống, xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, NHCSXH huyện đã tham mưu cho huyện để bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm với 10,5 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Xuân Hùng cho biết, huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng nhanh chóng, kịp thời. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn bàn, đặc biệt từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng - Nhà nước.
Bài và ảnh Khánh Phương
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tín dụng chính sách góp phần làm đổi thay quê hương Cách mạng Tây Ninh
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Hà Nam
- » Tăng sức bền cho phát triển kinh tế Thủ đô
- » Hà Nội thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Trên 307 nghìn lượt hộ ở Thái Nguyên được vay vốn ưu đãi giảm nghèo
- » Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW
- » Hà Nội phát huy hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW