Cùng Phú Vang xây dựng kinh tế biển và đầm phá

25/03/2024
(VBSP News) Với hơn 25km đường bờ biển và hệ thống đầm phá rộng lớn nhiều tiềm năng, kinh tế biển, đầm phá được xác định là 1 trong 4 Nghị quyết chuyên đề của huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Trong đó, trọng tâm là phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch biển và đô thị biển, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên nền tảng đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã nỗ lực kêu gọi đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng… còn với người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo cũng đang hạ quyết tâm cải thiện cuộc sống, từng bước góp sức với toàn huyện xây dựng thành công nền kinh tế biển và đầm phá mạnh của tỉnh.
IMG_20240324_105410

Bà Nguyễn Thị Gái ở thôn An Dương 3, xã Phú Thuận vay vốn chính sách phát triển cơ sở sản xuất nước mắm

Hạnh phúc vì cuộc sống ngày càng khởi sắc!
Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở thôn An Dương 3, xã Phú Thuận từng được vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo từ NHCSXH huyện Phú Vang. Bà Vân cho biết: “Nhờ nguồn vốn này, năm 2023, chúng tôi đã thoát khỏi cận nghèo và cuộc sống khởi sắc lên từng ngày. Gia đình tôi, ai nấy đều vô cùng hạnh phúc!”.
Vui hơn, khi qua khỏi ngưỡng nghèo, bà Vân vẫn tiếp tục nhận được sự đồng hành của NHCSXH. Quả thật, nếu không có sự tiếp sức của 50 triệu đồng vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, bà cũng không dám chắc mình có thể giữ vững “ngôi vị” thoát nghèo không. “Bởi, với những người quanh năm chỉ biết bám biển, nhờ lộc biển để làm mắm, làm ruốc mưu sinh như chúng tôi thì nguồn vốn quan trọng lắm. Cộng thêm, sau đại dịch, kinh tế càng lúc càng khó khăn, khiến việc sản xuất, buôn bán càng thêm khó. Nếu không đủ vốn, tái nghèo rất dễ xảy ra”, bà Vân tâm sự.
Giờ đây, nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình bà có lực để sản xuất hàng nghìn thùng mắm mỗi vụ cá. Đặc biệt, với các loại mắm, thời gian ủ chỉ cần 1 tháng nhưng để có nước mắm ngon thì ngoài việc lựa nguyên liệu, thời gian ủ phải mất cả năm. Quan trọng hơn, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp gia đình bà phát triển kinh tế, mỗi năm để dành được cả trăm triệu đồng; mà còn cho phép mở rộng sản xuất, gián tiếp tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên trên địa bàn xã, với thu nhập trên dưới 9 triệu đồng/người/tháng.
“Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn những cán bộ tín dụng - những người trực tiếp mang nguồn vốn ưu đãi đến cho chúng tôi, giúp chúng tôi những lúc khó khăn nhất. Vì thế, gia đình chúng tôi luôn lao động cật lực, chắt chiu từng đồng lãi để trang trải cuộc sống và gửi tiết kiệm tại NHCSXH, những mong góp một chút sức lực vào công cuộc giảm nghèo vĩ đại của các anh bà!”, bà Vân tâm sự.
Đến hết năm 2023, nguồn vốn NHCSXH huyện Phú Vang huy động đạt 54,185 tỷ đồng, dư nợ 390,207 tỷ đồng; doanh số cho vay 142,766 tỷ đồng; doanh số thu nợ 118,673 tỷ đồng; số lượng khách hàng 8.992 khách hàng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm mới cho 2.350/2.000 lao động, đạt 117,5% kế hoạch, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 426/150 lao động, đạt 284% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%…
Là người được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Phú Vang từ những năm đầu mới thành lập, bà Nguyễn Thị Gái ở thôn An Dương 3, xã Phú Thuận không thể nhớ nổi mình đã vay bao nhiêu chương trình và bao nhiêu lần từ NHCSXH nữa. Hiện tại, gia đình bà Gái không còn nghèo nữa nhưng vẫn được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để sản xuất nước mắm và mắm ruốc. Rất may mắn, ngoài việc được hỗ trợ vốn, bà đã có trong tay kỹ thuật làm mắm các loại do cha mẹ để lại, cộng thêm lợi thế biển và đầm phá quê hương cho nguồn cá ngon, chúng tôi rất thuận lợi làm nghề. Hàng sản xuất đến đâu bán hết đến đó, rất ít khi bị tồn đọng.
Tuy có chút khấm khá hơn một số bà con nhưng cuộc sống thôn quê vẫn còn nhiều khó khăn. Cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Bởi vậy sự hỗ trợ của NHCSXH vô cùng quan trọng, nhất là đối với gia đình nghèo, đông con như gia đình bà Gái. Vợ chồng bà có 7 người con, đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và đặc biệt là tất cả chúng đều lớn lên với sự hỗ trợ của NHCSXH.
Nhìn lại mấy chục năm gây dựng gia đình với bao thăng trầm của cuộc sống, đến nay tạm gọi là có cuộc sống an yên, đủ đầy. Bà Gái chia sẻ: “Chúng tôi thật sự xúc động trước những gì Đảng, Nhà nước đã quan tâm; nhất là lãnh đạo địa phương, cán bộ tín dụng chính sách - những người đang trực tiếp hỗ trợ, định hướng cho chúng tôi cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập và xây dựng cuộc sống sung túc. Vợ chồng tôi và các con đều tự nhủ, mỗi người dù làm gì cũng đều làm hết mình để cùng các đồng chí lãnh đạo xây dựng quê hương Phú Vang ngày càng giàu đẹp. Bản thân tôi, người đang làm mắm, ruốc truyền thống cũng sẽ làm thật tốt và tốt hơn nữa để góp phần đưa thương hiệu mắm ruốc, nước mắm của gia đình, của quê hương lan tỏa khắp mọi miền quê”.
Nguồn vốn tiếp thêm động lực cho ngư dân
Anh Lê Viết Phong ở thôn Kế Sung, xã Phú Diên cũng đi lên từ nghèo khó nên rất hiểu sự quan trọng của nguồn vốn, nhất là nguồn vốn lãi suất thấp và không cần thế chấp như vốn tín dụng chính sách. Dù chỉ là các khoản vay vi mô nhưng vốn tín dụng chính sách lại có sức mạnh cổ vũ tinh thần to lớn và quan trọng là phù hợp với những hộ gia đình nghèo, mới bắt đầu gây dựng cuộc sống.
Bản thân anh Phong cũng là người đang thụ hưởng 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSH huyện Phú Vang. Mặc dù, doanh thu từ 3 hồ nuôi cá dìa, cá kình, tôm, cua các loại đạt 0,8 - 1 tỷ đồng/năm, lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm nhưng anh vẫn luôn kẹt vốn. Vì thế, nguồn vốn từ NHCSXH đối với anh Phong rất quý. Anh luôn muốn được vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, bởi đã nhìn thấy rõ cơ hội và lợi thế của khu vực vùng đệm đầm phá Tam Giang mang lại. Các loại thủy hải sản ở đây rất đặc biệt do nguồn nước lợ luôn lưu thông tự nhiên, độ mặn cao và thảm thực vật phong phú…
Quan trọng hơn, những năm vừa qua, Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Phú Vang đã quan tâm đầu tư, bảo tồn và thành lập các khu bảo vệ nguồn thủy sản đặc biệt này. Chắc chắn tới đây, các sản phẩm thủy sản của vùng đệm đầm phá Tam Giang - Phú Vang sẽ phát triển mạnh mẽ, phong phú và sẽ có mặt ở nhiều nơi trên cả nước.
Anh Phong cho biết: “Với tư cách là công dân của Phú Vang, là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện năm 2023, tôi tự nhủ, với tâm huyết và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của mình, tôi sẽ cùng bà con địa phương phát triển lợi thế quê hương, đưa các sản phẩm tôm cá của vùng đệm đầm phá phát triển hơn nữa, cùng với huyện thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2021 - 2025 - đưa Phú Vang trở thành huyện mạnh về kinh tế biển, đầm phá!”

Bình Nhi

Các tin bài khác