Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên: Cùng địa phương giải bài toán việc làm tăng thu nhập
Tính đến năm 2024 là năm thứ 15 ông Nguyễn Văn Doản ở thôn Kiến Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu được hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách. Chật vật với cuộc sống khi ngô không mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2007, khi xuất khẩu chuối sang Trung Quốc “nở rộ”, vợ chồng ông Doản tính phương án chuyển đổi cây trồng. Ba năm “trồng đâu thắng đấy” trên 4,7 xào ruộng bãi của gia đình, để đẩy nhanh tiến trình thoát nghèo, ông đã cùng vợ đăng ký vay vốn NHCSXH chương trình hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH huyện Khóa Châu thuê thêm đất và đầu tư cây giống trồng chuối. Những năm sau đó, giá thu mua chuối cao, ông Doản cũng như nhiều người dân trong huyện nhanh chóng thoát nghèo bền vững từ trồng chuối.
Khó khăn nhất từ khi có dịch COVID-19, giá chuối giảm ⅔, thậm chí nhiều thời điểm biên giới đóng cửa, giao thương ngừng trệ, chuối chín rục đầy đồng không tiêu thụ được. Trồng chuối giờ không còn trở thành nghề hấp dẫn, song ông Doản vẫn bỏ tâm tư vào vườn chuối. Ông tâm sự: Hai vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, chẳng đủ sức ra ngoài làm mướn được nữa, dù giá chuối giảm nhưng vẫn duy trì được nguồn thu từ mua bán lẻ trong nước. Vợ chồng ông tiếp tục vay vốn giải quyết làm tại NHCSXH huyện Khoái Châu để trả thuê đất, công thợ, duy trì vườn chuối lấy công làm lãi. Tuy vất vả hơn nhưng mỗi năm vợ chồng ông cũng để ra được 70 - 100 triệu đồng từ trồng chuối.
Không chỉ hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo sinh kế, NHCSXH huyện Khoái Châu còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra, gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa cho người dân thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản vật địa phương, đồng thời, mở rộng việc làm cho người dân địa phương.
Như ở xã Chí Tân - một xã thuần nông ven sông Hồng, đất đai phần lớn là pha cát không phù hợp với nghề trồng lúa, những năm qua, NHCSXH huyện Khoái Châu đã hỗ trợ vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn chuyển sang trồng sản xuất nghệ. Anh Nguyễn Văn Thiêm ở xã Chí Tân cho biết: Đầu tư sản xuất tinh bột nghệ đòi hỏi phải có nhà xưởng máy móc lớn, chưa kể nguồn vốn mua nguyên vật liệu. Chính bởi vậy, việc tiếp cận được 100 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Khoái Châu và 100 triệu đồng từ Quỹ Hội Nông dân rất quý, giúp anh thu mua tinh bột nghệ theo thời vụ (từ tháng 10 âm lịch đến đầu tháng 12 âm lịch), tích lũy nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Đồng thời, tạo việc làm không chỉ cho chính anh mà còn cho 8 - 10 lao động theo mùa vụ (6 - 7 tháng) và 3 lao động làm việc cả năm. Đặc biệt, những lao động này phần lớn là người có tuổi, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương nông nhàn.
Nhu cầu vay vốn tạo việc làm và sinh kế của người dân tỉnh Hưng Yên cũng phản ánh rõ qua bức tranh tín dụng chính sách. Năm 2023, doanh số cho vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 1.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh số cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 520 tỷ đồng (chiếm hơn 50%); cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 89.464 triệu đồng; cho vay hộ nghèo đạt 46.198 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 44.478 triệu đồng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh đến hết năm 2023 đạt 4.121 tỷ đồng, đã giúp 21.640 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giúp 5.292 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 7.579 lao động; 47 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn giải quyết việc làm của người dân vẫn rất lớn để hòa mình vào định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, hướng đến phát triển nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các vùng sản xuất cây ăn quả (nhãn, cây có múi, vải), lúa gạo, dược liệu, hoa cây cảnh. Xa hơn là thiết lập các mô hình nông nghiệp thông minh, tiến tới xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm nông nghiệp thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Năm 2023, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2026 (Quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 19/4/2023) với tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh là 220 tỷ đồng, từ ngân sách huyện là 110 tỷ đồng. Những nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương qua NHCSXH đạt 290 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách mà chi nhánh đang triển khai, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 231 tỷ đồng với 4.249 hộ vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh đến nay đạt trên 4.220 tỷ đồng.
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên Chu Thị Bích Lan cho biết. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả dòng vốn tín dụng chính sách, góp phần giải quyết bài toán tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương, xây dựng nông thôn mới góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, trong năm 2024 và những năm tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên sẽ tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 04/10/2002, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW… Đặc biệt là Quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh Hưng Yên, trọng tâm là tham mưu chuyển ngân sách năm 2024 bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, chi nhánh tiếp tục quan tâm đến việc củng cố nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh người cán bộ NHCSXH luôn gần dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nỗ lực thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024; tăng cường công tác thông tin truyền thông, chú trọng tuyên truyền đi vào chiều sâu để hộ vay hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn NHCSXH.
Trong bối cảnh nguồn vốn cho giải quyết việc làm hạn chế, Tỉnh ủy cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm từ nguồn đầu tư phát triển chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi. Thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng chính sách kịp thời cũng như nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong đời sống, góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy nhanh hành trình phát triển của Hưng Yên trên con đường tiến lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài và ảnh Minh Ngọc - Hữu Trung
Các tin bài khác
- » Thái Bình thúc đẩy tư duy sản xuất, kinh doanh mới
- » Vùng đồng bào DTTS đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách: Điểm tựa của niềm tin
- » “Quả ngọt” từ nguồn vốn nhân văn
- » Có vốn nuôi bò, trồng keo, nông dân nghèo Bình Định nhanh khá
- » Nông dân Hòa Vang đổi đời từ nguồn vốn chính sách
- » Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Thoát khó khăn, vững kinh tế nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Đồng hành với nông dân giảm nghèo
- » Ổn định cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi