Con đường huyền thoại thể hiện ý chí dân tộc Việt Nam

10/05/2019
(VBSP News) Không phải mãi đến sau này, mà ngay từ khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nhiều học giả, nhà nghiên cứu phương Tây đã đánh giá vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Các bài báo, công trình nghiên cứu đã xem Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại...
Đường Hồ Chí Minh thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Ảnh tư liệu

Đường Hồ Chí Minh thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
                                                                                                                                                                          Ảnh tư liệu

Không phải mãi đến sau này, mà ngay từ khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nhiều học giả, nhà nghiên cứu phương Tây đã đánh giá vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Các bài báo, công trình nghiên cứu đã xem Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại, là sức sáng tạo và thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam; đồng thời, đó còn là nhân tố sống còn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Qua 16 năm xây dựng (1959 - 1975), từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, Đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn mạnh vào chiến trường, vươn sâu vào các hướng chiến lược, bao gồm một lực lượng hùng mạnh gồm đủ các thành phần bộ đội binh chủng hợp thành, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã trở thành một hệ thống mạng đường không thể bị chặn cắt, chuyển vận toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam; cách mạng Lào và Cam - pu - chia; trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt lớn sinh lực địch; thành chỗ đứng chân và là bàn đạp xuất phát tiến công của các binh đoàn chủ lực hùng mạnh xuống các tỉnh ven biển miền Trung hoặc tham gia lực lượng đánh chiếm Sài Gòn, góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, hoàn thành sứ mệnh lịch sử lớn lao mà triệu triệu người Việt Nam yêu nước đã không tiếc tính mạng và của cải giành lại - đó là giữ vững độc lập, tự do và thống nhất non sông.

Cũng bởi vị trí vô cùng quan trọng của nó, dư luận, báo chí phương Tây đưa tin về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, tỷ lệ thuận với mức độ đế quốc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Điều đặc biệt, nhiều học giả phương Tây đã so sánh Đường Trường Sơn với những con đường nổi tiếng trong lịch sử như con đường vượt dãy Py-rê-nê của Tướng Han-ni-ban để đánh bại người La Mã thời kỳ trước Công nguyên; con đường 10 nghìn cây số của A-lếch-xăng-đrơ, Hoàng đế Ma-xê-đoan chinh phục Ấn Độ; con đường của 43 nghìn quân Na-pô-lê-ông vượt qua dãy núi An-pơ bão tuyết tiến vào I-ta-li-a. Mặc dù có thể so sánh về độ dài, mục đích quân sự, nhưng chưa có con đường nào trên thế giới lại so sánh được với Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh về tầm vóc, hiệu quả và ý nghĩa. Cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Kit-xinh-giơ từng thừa nhận: “Còn tồn tại đường mòn Hồ Chí Minh thì chiến tranh không bao giờ kết thúc”.

Trong “cuộc chiến tranh ngăn chặn” mà đế quốc Mỹ tiến hành trên Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, ở dưới mặt đất, lục quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đã thực hiện hàng vạn trận phục kích, tập kích, biệt kích, đổ bộ đường không, nống lấn, càn quét với các quy mô khác nhau hòng cắt đứt tuyến đường. Trong khi đó ở trên không, đế quốc Mỹ tập trung phần lớn lực lượng không quân đánh phá quyết liệt. Trung bình một ngày, đế quốc Mỹ tiến hành 450 phi vụ máy bay chiến đấu và một tháng thực hiện 1.000 phi vụ B52 để đánh phá. Ngoài ra, đế quốc Mỹ còn dùng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nhất lúc bấy giờ để phục vụ cho ý đồ cắt đứt hoặc ngăn chặn hoạt động của Đường Trường Sơn. Chúng đã trút xuống rừng Trường Sơn 71 triệu lít thuốc làm trụi lá cây; dùng máy bay ném vào trong mây những tinh thể muối i-ốt bạc để tạo nên mưa nhiều trên các đoạn đường hiểm trở; gieo vào trong mưa chất a-xít để ăn mòn các thứ vũ khí bằng kim loại; sử dụng các loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất lúc đó như khí tài hồng ngoại, ca-me-ra truyền hình, bom la-de và các loại khí tài điện tử như “máy cảm ứng địa chấn”, “máy ngửi hơi người” để phát hiện lưu lượng người và xe cộ vận chuyển của ta. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ không thể đè bẹp được ý chí và sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam mà bộ đội Trường Sơn là một biểu hiện sinh động. Về vấn đề này, tờ Lơ Phi-ga-rô (Pháp), số ra ngày 08/3/1972 đã bình luận: “Quân đội mạnh nhất thế giới đã không làm gì được con đường này. Máy bay khổng lồ B52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, là con rắn trăm đầu luôn mọc lại”. Cũng trên tờ Lơ Phi-ga-rô, số ra ngày 31/12/1971 nhận xét: “Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ USD hòng bóp nghẹt con đường nhưng nó vẫn tồn tại”. Cùng quan điểm này, Nhà báo Jacques C. Despuech, tác giả cuốn sách “Cuộc tấn công ngày Chúa lên trời”, từng ở Việt Nam trong nhiều năm khi đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, nhận xét: “Con đường mòn ấy, con đường ra tiền tuyến dài hàng chục nghìn km bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm. Vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam. Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể mà nó là con đường dân tộc, con đường của tâm linh, nên có sức bền vững diệu kỳ…”.

Năm 2005, nữ Tiến sĩ người Mỹ Vi-giơ-ni-a Lu-i Mo-rít đã đi bộ suốt dọc con đường, gặp gỡ nhiều nhân chứng Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Cũng nhờ đó, cuốn sách mang tựa đề “Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường dẫn tới tự do” đã ra đời. Theo Vi-giơ-ni-a Lu-i Mo-rít, “con đường mòn là một trong những kỳ tích vĩ đại nhất về quân sự Việt Nam, là tột đỉnh của kỹ nghệ công trình”.

Có thể nói, trong con mắt phương Tây, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một câu chuyện huyền thoại và bản thân nó đã chứa đựng hàng trăm nghìn sự kiện chồng xếp lên nhau. Vì vậy, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã được phương Tây quan tâm như là một trong những sự kiện hàng đầu trong cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Những đánh giá của các tướng lĩnh, học giả phương Tây có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng tựu chung đều nhận định Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là sản phẩm kỳ diệu của tài năng, sự kiên nhẫn và sự hy sinh không bờ bến của con người như nhà sử học Mỹ Côn-cô đã viết trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”. Đó không chỉ là con đường cụ thể mà còn là sự kết tinh lịch sử đấu tranh mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam; đồng thời, là biểu hiện của ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của mỗi người Việt Nam. Do đó, nó trở nên bất diệt, không sức mạnh nào hủy diệt được.

Nguồn: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Các tin bài khác