CHO TÂY NGUYÊN THÊM XANH (Kỳ 1: Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi)
Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế là không khó, kể cả những vùng sâu, vùng xa của hai tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng. Những con số về dư nợ của NHCSXH đã là một trong những minh chứng cụ thể cho nhận định ấy. Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, đến nay dư nợ của NHCSXH đạt hơn 4.659 tỷ đồng, và NHCSXH là một trong những tổ chức tín dụng hoạt động tích cực, sâu rộng tới từng buôn làng giúp người dân có vốn kịp thời đầu tư SXKD.
Vừa chăm sóc cây cà phê, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Đài Đồng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) hồ hởi chia sẻ: Năm 2013 gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã, được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi bò, trông rau màu, cây ăn quả và cà phê. Lúc đầu từ 2 con bò cái. Khi bò đẻ, anh để lại nuôi nhân đàn, cùng với số tiền tích cóp từ bán rau và thu hoạch cà phê, năm 2015 gia đình anh đã hoàn trả hết nợ cho ngân hàng. Sau khi trả hết nợ, anh Dương tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng nguồn vốn hộ nghèo đầu tư mở rộng chuồng trại, đưa chăn nuôi bò và mô hình trồng rau của gia đình lên quy mô trang trại, trồng thêm gần 1ha cà phê, nhờ đầu tư đúng hướng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và áp dụng KHKT vào sản xuất nên đàn bò của anh phát triển tốt, số lượng rau màu sản xuất ra được thương lái vào thu mua tận nơi… nguồn thu nhập từ bán bê con và rau màu cũng mang lại cho gia đình anh mỗi năm hàng chục triệu đồng. Cuộc sống khấm khá dần, con cái được học hành đầy đủ, niềm vui của anh xuất phát từ sự nỗ lực của bản thân và nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đắc lực, kịp thời. Từ nguồn thu của gia đình, hàng tháng anh còn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay số tiền anh tham gia gửi tiết kiệm đã gần 3 triệu đồng. “Đây sẽ là nguồn dự phòng cho gia đình tôi khi gặp khó khăn”, anh Dương tâm sự.
Có hoàn cảnh tương tự gia đình anh Dương, gia đình chị Đỗ Thị Bích Viên ở Tổ dân phố 3, thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, gia đình chị đầu tư trồng 4,5ha cây ăn trái gồm chôm chôm, măng cụt và trồng thêm chè, nguồn thu từ trồng cây ăn quả đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. “Có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, đây thật sự là một cứu cánh đối với gia đình tôi, giúp gia đình có vốn, kịp thời đầu tư sản xuất vươn lên phát triển kinh tế”, chị Viên chia sẻ.
Theo ông Y Phong Êban - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Sút MĐưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) thì Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý hiện có 60 tổ viên, dư nợ trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều hộ được vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và sử dụng vốn vay hiệu quả. “Nhờ vốn vay ưu đãi mà bà con nơi đây có điều kiện phát triển đầu tư trồng cà phê, cao su, điều, bơ, hồ tiêu mang lại thu nhập cao, thực sự vốn vay ưu đãi mang đậm tính nhân văn và giúp cho những vườn cây của chúng tôi xanh tốt”, ông Y Phong Êban vui mừng cho biết.
Tại xã Hoà Hiệp, huyện Cưkuin (Đắk Lắk) Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban giảm nghèo xã Nguyễn Hồng Khanh khẳng định: “Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện đã góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững. Đến nay, dư nợ tín dụng ưu đãi tại xã Hoà Hiệp gần 30 tỷ đồng với 1.032 hộ vay”. Qua tìm hiểu được biết, ở xã, có rất nhiều mô hình trở nên khá giả từ nguồn vốn vay ưu đãi này tập trung vào một số lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm… góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình vùng kinh tế khó khăn.
Giám đốc NHCSXH huyện huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) Nguyễn Chí Thành, cho biết: Ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với chính sách tín dụng. Đối với những hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, NHCSXH sẽ giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm đã được NHCSXH thực hiện ngay tại UBND các xã, thị trấn đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong giao dịch, không phải đi lại vất vả. Cán bộ NHCSXH huyện cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt, kiểm tra đánh giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên hoạt động cho vay nhanh chóng đi vào nền nếp, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp những người dân nghèo có vốn mở rộng SXKD để Tây Nguyên thêm xanh.
Bài và ảnh Trần Giáp
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Vượt lên đói nghèo
- » Khi Chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống!
- » Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang làm việc với NHCSXH tỉnh
- » Biểu dương khen thưởng HSSV tiêu biểu xuất sắc là con CBVCLĐ NHCSXH
- » Gia Lai tích cực triển khai tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS
- » Tích cực đưa Chỉ thị của Đảng vào cuộc sống
- » Thêm “cú hích” trong giảm nghèo ở Krông Năng