Vượt lên đói nghèo

05/08/2019
(VBSP News) Những đồng vốn vay tuy nhỏ nhưng đã tạo động lực lớn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình vượt lên đói nghèo - đó chính là nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện 17 năm qua. Đặc biệt, đồng vốn vay càng trở nên ý nghĩa hơn từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành.
Cán bộ NHCSXH kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của gia đình chị Phạm Thị Én ở thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên

Cán bộ NHCSXH kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của gia đình chị Phạm Thị Én ở thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên

Triển khai quyết liệt

Ngay sau khi Chỉ thị số 40 được ban hành, NHCSXH tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 43, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 25 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40. Các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, làm cơ sở để NHCSXH các huyện, thành phố, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn và các đoàn thể triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh còn tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị số 40 lồng ghép qua các hội nghị tại địa phương; đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa nội dung Chỉ thị vào bản tin Thông báo nội bộ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) phục vụ sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh.

Tại huyện Tiền Hải, để huy động sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH huyện còn chủ động tham mưu Huyện ủy ban hành công văn về tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 nhằm chấn chỉnh một số tồn tại trong cho vay ưu đãi trên địa bàn như: chất lượng tín dụng chưa bền vững, tỷ lệ nợ xấu còn cao, lãi tồn đọng còn lớn, một số người dân còn có biểu hiện chây ỳ trong việc trả nợ vốn vay, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý những tồn tại đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn…

Chuyển biến tích cực

Nhờ tích cực triển khai Chỉ thị số 40 nên hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nét nổi bật nhất phải kể đến là nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách tỉnh và huyện, thành phố chuyển sang NHCSXH đã tăng lên rõ rệt. Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, từ đó đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương, đồng thời quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chính vì thế, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm, bổ sung 40,4 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng 30 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40; trong đó ngân sách cấp tỉnh 29,159 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố hơn 11 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đạt 2.914,79 tỷ đồng, tăng 5,21% so với thời điểm 31/12/2018, tăng 38,98% so với thời điểm 31/12/2014.

Cùng với huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 còn có tác động không nhỏ nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến nay, NHCSXH tỉnh đang cho vay 9 chương trình ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ đạt 2.910 tỷ đồng với 99.676 khách hàng đang vay vốn, tăng 5,2% so với thời điểm 31/12/2018. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ, giảm 0,02% so với thời điểm 31/12/2014.

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn với tổng số tiền đã giải ngân 4.104,66 tỷ đồng cho 221.149 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 còn huy động sự tham gia của 286 Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thành phố, từ đó tạo ra sự thống nhất, tập trung trong triển khai tín dụng chính sách ở cơ sở.

Ông Bùi Mạnh Hằng - Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương: Trên địa bàn xã Bình Nguyên hiện có 343 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ đến ngày 30/6 đạt 12 tỷ đồng. Thời gian qua, xã Bình Nguyên đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40; cấp ủy, chính quyền địa phương đã nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và công tác đôn đốc các thành viên trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn. Chính vì thế, từ khi thực hiện cho vay ưu đãi của Chính phủ, xã Bình Nguyên chưa để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, các thành viên được vay vốn đều trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hơn 59.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 71.000 gia đình xây dựng được trên 181.482 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh bảo đảm môi trường; trên 8.200 HSSV có điều kiện học tập; Duy trì, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,12% (năm 2011) xuống còn 3,35% (năm 2018); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,07% (năm 2011) xuống còn 3,16% (năm 2018).

Bài và ảnh Minh Hương

Các tin bài khác