Chỉ thị 40-CT/TW: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1: Cuộc cách mạng về tín dụng chính sách)
Nhận thức đúng là nền tảng thống nhất hành động và thực thi
Sự thay đổi này đến từ sự sát sao, quyết liệt và ngày càng mạnh mẽ của Ban Bí thư trong việc chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách. Nếu như Chỉ thị số 40-CT/TW yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là “một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị”, thì đến Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Bí thư đã đặt ra yêu cầu cao hơn và rõ ràng hơn với chỉ đạo “cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Đồng thời, khơi thông điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai tín dụng chính sách là vốn với yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Là đơn vị thực thi tín dụng chính sách và tham mưu, đề xuất ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW hơn ai hết từng cán bộ NHCSXH hiểu rõ vai trò và ý nghĩa của Chỉ thị này. Bởi vậy, cùng với việc nhanh chóng ban hành các Nghị quyết đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW triển khai thực hiện tới toàn hệ thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH ban hành văn bản gửi các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục dành sự quan tâm đối với công tác tín dụng chính sách xã hội.
Đích thân Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Ban Lãnh đạo NHCSXH những năm đầu triển khai đã dành một phần thời gian không nhỏ đến các tỉnh, thành phố trong cả nước kết nối, bán thảo cùng các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển Chỉ thị số 40-CT/TW, đặc biệt là gia tăng nguồn vốn ủy thác của địa phương, chung tay cùng Chính phủ giảm nghèo bền vững cũng như giải các bài toán phát triển kinh tế bền vững của địa phương
Bên cạnh đó, NHCSXH đã tích cực tham gia, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tín dụng chính sách xã hội. Như việc nguồn vốn tín dụng chính sách được Quốc hội bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 -2020 và giai đoạn 2021 - 2025 giúp NHCSXH nâng cao năng lực tài chính, giảm bớt áp lực về nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách trong điều kiện nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh bị hạn chế; Đồng thời tham mưu cùng NHNN đôn đốc, các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH theo quy định; khuyến khích các ngân hàng mua trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh; Đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế về chương trình/dự án hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số cho công tác giảm nghèo.
Bắc cầu tín dụng chính sách vượt qua “khung khổ”
Các cấp trong hệ thống NHCSXH phát huy vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền bổ sung ngân sách ủy thác cho vay đáp ứng nhu cầu các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, kể cả những tỉnh, thành có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, mà còn tham mưu triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách xã hội riêng có để đẩy nhanh việc hiện thực hóa các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế bền vững, vượt xa “khung khổ” mà Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đặt ra.
Như ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), từ sáng kiến của NHCSXH thị xã Hoài Nhơn đề xuất Thị ủy, HĐND dành nguồn vốn giải quyết vấn đề nước sạch và công trình vệ sinh môi trường tại khu vực đô thị để đưa Hoài Nhơn vươn lên đô thị loại 3 vào năm 2025, lãnh đạo tỉnh Bình Định nhận thấy đây không phải là vấn đề của riêng Hoài Nhơn mà của tỉnh. Từ đó ngày 5-6/12/2023, HĐND ban hành Nghị quyết 37/2023/NQ-HĐND về việc ban hành quy định đối tượng cho vay xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay riêng chương trình này đã là 16 tỷ đồng.
Hay như tại Hà Nội năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, không chỉ khách hàng của NHCSXH bị tổn thương mà sản xuất, kinh doanh của các hộ dân, cơ sở sản xuất bị đình đốn. Thu nhập giảm, thậm chí không có khiến các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình ăn mòn thậm chí triệt tiêu khoản tiết kiệm vốn đã ít ỏi, nhiều hộ dân không có vốn để quay lại để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó NHCSXH TP Hà Nội đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính và tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn ủy thác chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ dân ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát để họ có vốn, tổ chức phục hồi lại tình hình sản xuất kinh doanh. trong giai đoạn 2021 - 2023, Hà Nội đã cân đối, bố trí ngân sách chuyển bổ sung 1.150 tỷ đồng vốn ủy thác để cho vay người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Không chỉ có cấp tỉnh, các cấp huyện cũng dành dụm nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH cho vay người nghèo và đối tượng chính sách. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) Vũ Thị Minh Châu từng nhấn mạnh: “Ủy thác vốn qua NHCSXH không phải là chi tiền cho NHCSXH và chỉ để giải quyết bài toán giảm nghèo mà là một phương thức chi đầu tư phát triển nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo”. Đây cũng là lý do đến 30/6/2024, nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện đạt gần 43,7 tỷ đồng, tăng 41,9 tỷ đồng so với thời điểm Phòng giao dịch mới đi vào hoạt động. Cùng với 50,5 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh chuyển cho huyện, nguồn vốn của NHCSXH huyện Trảng Bom đạt hơn 356,518 tỷ đồng, trong đó, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 26,5% góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có sự tăng trưởng vượt bậc đến 30/6/2024 đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng so với trước khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW. 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Những con số nói trên đã thể hiện sự hết sức cố gắng, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước phát triển.
Bài và ảnh Minh Ngọc
Các tin bài khác
- » Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ
- » Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Chúc mừng Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Truyền thống
- » Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hòa Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Đồng Nai